Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

NDO - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã bắt kịp xu thế, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Chè Suối Giàng được tiêu thụ tốt nhờ câu chuyện về những cây chè cổ thụ trên núi cao được kể lại trong từng sản phẩm.
Chè Suối Giàng được tiêu thụ tốt nhờ câu chuyện về những cây chè cổ thụ trên núi cao được kể lại trong từng sản phẩm.

Tích cực xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP

Nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực để đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 26/12, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến giữa tháng 12/2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là 10.000 sản phẩm. Trong số đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao, gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, mẫu mã cũng như bao bì sản phẩm OCOP đã được cải thiện rõ rệt. Do đó, hiện nay rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu.

"Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến các sản phẩm có thế mạnh như gạo hay là các loại hạt. Nhưng năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Úc; hay miến dong của Bình Liêu cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu và châu Úc. Như vậy, các sản phẩm đã thực sự là đại sứ và đặc sản truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu được bạn bè thế giới chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP" - ông Tiến thông tin.

Đáng chú ý, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại cũng đã được đẩy mạnh bằng các hình thức khác nhau.

Nếu giai đoạn 2018-2020, từ phía các bộ, ngành Trung ương cũng như là các địa phương chủ yếu tập trung vào vấn đề phát triển sản phẩm, thì sang giai đoạn 2021-2025, cùng với việc nâng cấp và cải thiện chất lượng sản phẩm, hình thành hệ sinh thái các sản phẩm OCOP, thì công tác xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh.

Với sự vào cuộc các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các kênh phân phối sản phẩm OCOP không chỉ thuần túy là các phân phối truyền thống.

Các cơ quan chức năng đã tập trung vào các kênh phân phối trong nước như là Saigon Co.op, Central Retail hay các chuỗi bán hàng tiện lợi, các chuỗi bán sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, rất nhiều Điểm bán hàng sản phẩm OCOP được đặt tại các điểm dừng chân và đã thực sự trở thành những điểm trải nghiệm cho du khách, không chỉ thuần túy mua sản phẩm OCOP làm quà tặng mà còn là nơi để khách hàng được trải nghiệm việc trình diễn của các nghệ nhân.

Theo ông Tiến, bên cạnh những điểm phân phối truyền thống thì việc xúc tiến ở trên hệ thống các kênh thương mại điện tử cũng đã được triển khai ngay từ sớm. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các hệ thống thương mại điện tử như Voso, VNPT Post, Posmart hay các kênh thương mại lớn như Lazada, Shopee để xúc tiến các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử.

Đặc biệt, cuối năm 2022 chương trình OCOP cũng triển khai các phiên chợ livestream trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam, và trong năm 2023 Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai được hơn 800 phiên với doanh thu lên khoảng 100 tỷ, tiếp cận đến hơn 300 triệu lượt người xem.

“Thêm nữa, năm 2023, 2 gian hàng OCOP quốc tế đã được tổ chức, một gian tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan tại Central World ở Bangkok và gian thứ 2 tại một sự kiện được tổ chức đầu tháng 12 ở Milan (Italia). Lần đầu tiên chúng ta có một không gian sản phẩm OCOP tại thị trường châu Âu và các sản phẩm OCOP không chỉ dừng ở thị trường nước mà cũng đã được xúc tiến đối với thị trường quốc tế” – ông Tiến chia sẻ.

Là chủ sở hữu một dòng sản phẩm OCOP 4 sao là chè Suối Giàng (Yên Bái), ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng chia sẻ, trà shan tuyết Suối Giàng hiện nay ngoài kênh phân phối truyền thống đã tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay… để thúc đẩy tiêu thụ.

“Hợp tác xã cũng tham gia các hệ thống sàn thương mại điện tử quốc tế như là Alibaba.com và Amazon. Tuy doanh thu chưa nhiều nhưng việc có mặt ở trên sàn cũng đòi hỏi sản phẩm cần phải có câu chuyện, cần triển khai các hoạt động bên lề chuyên nghiệp, từ hình ảnh đến tiêu chuẩn để người tiêu dùng bản địa có thể tiếp cận được. Điều này giúp nâng tầm cho sản phẩm” – ông Đào Đức Hiếu cho biết.

Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 1
Toạ đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP”

Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh điểm mạnh, các sản phẩm OCOP còn tồn tại nhiều điểm yếu khiến công tác phân phối còn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho rằng một trong những thách thức đối với sàn thương mại điện tử là việc cung cấp các sản phẩm tươi, các sản phẩm sống tới tay người tiêu dùng nhanh nhất và đạt chất lượng cao nhất. Để làm điều này, cần sự phối hợp giữa sàn thương mại điện tử và bà con nông dân ngay từ khâu sơ loại, phân loại, hỗ trợ đóng gói để khi đưa vào hệ thống thì chất lượng của sản phẩm là tốt nhất.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm OCOP, vấn đề bảo đảm sản lượng cũng là một thách thức. Một số sản phẩm đã không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng khi được khách hàng tin dùng. "Do tập quán sản xuất, do quy mô sản xuất chúng ta vẫn còn hạn chế, nên rất nhiều sản phẩm, khi sàn chúng tôi làm chương trình bán rất tốt và khi bán được rồi thì lúc quay lại bà con không còn sản phẩm để bán. Đó cũng là một khó khăn" - đại diện VNPost chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Anh, các sản phẩm OCOP vẫn còn yếu ở khâu đóng gói, nhận diện thương hiệu. Hiện, phần lớn sản phẩm OCOP là các sản phẩm nông sản, xuất phát từ khu vực nông thôn nên còn hạn chế trong khâu thiết kế hình ảnh sản phẩm, kể một câu chuyện về sản phẩm.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, từ phía chủ thể, phải giải quyết được 3 vấn đề: Cần nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tập trung vào xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu và triển khai các chương trình về thương hiệu.

Còn từ phía các cơ quan nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp hành động với các cơ quan chức năng liên quan nhằm nâng tầm các sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại trên cơ sở đa kênh.

"Đặc biệt, hiện nay, khi mà chúng ta nói đến sản phẩm OCOP là nói đến văn hóa, giá trị truyền thống thì chúng tôi cũng định hướng, hướng tới các không gian OCOP. Các khu trải nghiệm OCOP sẽ gắn liền với các lễ hội văn hóa, các lễ hội về du lịch để tạo ra được dấu ấn đối với người tiêu dùng" - ông Tiến chia sẻ.

Những câu chuyện về sản phẩm nếu có cách truyền đạt phù hợp sẽ tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng cường sự kết nối trung thành của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Theo ông Tiến, vấn đề đặt ra là cần tìm được các kênh xúc tiến thương mại phù hợp để phát triển, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP trên cả các kênh truyền thống và thương mại điện tử, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mạnh mẽ hơn.