Đường đến vinh quang của Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (Vĩnh Phúc)

Trường Trung học phổ thông (THPT) Ngô Gia Tự không chỉ nổi bật trên bản đồ giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc vì có nhiều thầy giáo giỏi, học sinh giỏi, mà còn tự hào vì phát triển được nhiều đảng viên là học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Giám hiệu trường THPT Ngô Gia Tự (bên phải) trong ngày khai giảng năm học 2024-2025.
Ban Giám hiệu trường THPT Ngô Gia Tự (bên phải) trong ngày khai giảng năm học 2024-2025.

Từ mái trường này, hơn 4.000 giáo viên và học sinh đã lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong khuôn viên của trường có Đài tưởng niệm ghi danh 236 giáo viên và học sinh của trường đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến.

Xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

Trường THPT Ngô Gia Tự được thành lập vào năm 1962, là trường cấp 3 đầu tiên của huyện Lập Thạch. Trường được công nhận chuẩn quốc gia năm 2006; đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2022; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đường đến vinh quang của Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (Vĩnh Phúc) ảnh 1

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Triệu Văn Hải với Ban Chấp hành Đoàn trường.

Truyền thống vẻ vang đó được các thế hệ thầy trò của trường gìn giữ và nhân lên trong giai đoạn lịch sử mới. Trang fanpage của trường có hơn 10 nghìn người theo dõi, đăng tải rất nhiều hoạt động từ chuyên môn, ngoại khóa cho đến thành tích, khen thưởng của giáo viên và học sinh. Trang này cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều cựu học sinh của trường.

Trong 5 năm gần đây, trường THPT Ngô Gia Tự luôn nằm trong tốp 4 trường THPT có chất lượng thi học sinh giỏi cao nhất tỉnh. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của trường xếp thứ 9 trong các trường THPT của tỉnh và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lớp 12 nhiều năm liền đạt 100%. Học sinh của trường cũng giành nhiều huy chương, giải thưởng trong các cuộc thi khác.

Năm học 2023-2024, trường đạt 260 giải học sinh giỏi tỉnh, gồm 11 giải Nhất, 53 giải Nhì, 89 giải Ba và 107 giải Khuyến khích, xếp thứ 2 về chất lượng giải và thứ 3 về số lượng giải so với các trường THPT không chuyên. Nhà giáo Phạm Mạnh Hùng dạy môn Sinh học và nhà giáo Lương Thị Cúc dạy môn Lịch sử được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhiều nhà giáo được các cấp, các ngành khen thưởng.

Đảng bộ nhà trường rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, giữ gìn đạo đức nhà giáo, rèn luyện học sinh. Đảng bộ trường có 5 chi bộ trực thuộc và 95 đảng viên, trong đó có cả đảng viên là học sinh. Để phát triển đảng viên là học sinh THPT, Đảng bộ nhà trường ra nghị quyết chuyên đề, phổ biến điều kiện tiêu chuẩn trở thành đảng viên cho học sinh.

Nội dung kết nạp đảng viên là học sinh được đưa vào chương trình hành động hằng năm của Đảng ủy và các chi bộ. Lãnh đạo các chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ đoàn viên là học sinh vào Đảng ngay từ lớp 10 nếu thấy học sinh có thành tích tốt. Hai năm qua trường THPT Ngô Gia Tự có 23 học sinh được kết nạp vào Đảng, được lãnh đạo Huyện ủy Lập Thạch biểu dương.

Bí thư Đoàn trường Nguyễn Trường Giang khẳng định: Đảng viên học sinh đều có phẩm chất đạo đức tốt, đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, đều tham gia Ban Cán sự lớp, Ban Chấp hành chi đoàn.

Những thầy cô giáo nhiều năm tuổi nghề cũng như lớp đảng viên trẻ của trường đang nỗ lực cống hiến với tinh thần rất cao, vì tự trọng nghề nghiệp, vì danh dự và sự phát triển của mái trường thân yêu.

Những giải pháp quản lý độc đáo

Để phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác ôn thi, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề nâng cao chất lượng ôn thi học sinh giỏi, tổ chức nhiều vòng thi chọn học sinh giỏi rất nghiêm túc.

Đội tuyển học sinh giỏi được thành lập ngay từ lớp 10 trên cơ sở điều tra lí lịch của học sinh ở trường trung học cơ sở. Trên cơ sở xác định năng khiếu của học sinh, trường phân lớp tạm thời đối với học sinh lớp 10.

Giáo viên phụ trách lớp ngay lập tức tư vấn cho học sinh về việc tham gia đội tuyển. Ví dụ, nếu một học sinh ở lớp 9 đã tham gia đội tuyển Toán thì học sinh đó sẽ được giáo viên tư vấn nên tiếp tục theo đội tuyển Toán của trường.Chất lượng bật lên từ cách làm này.

Ban Giám hiệu phân công nhiệm vụ năm học sau cho giáo viên ngay từ tháng 4 để giáo viên có sự chuẩn bị.Các tổ chuyên môn được giao quyền chủ động công việc, tự thống nhất khung giảng dạy và tự phân chia nhiệm vụ trong tổ. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên rất đoàn kết, chủ động, hỗ trợ nhau trong công việc, tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đường đến vinh quang của Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (Vĩnh Phúc) ảnh 2
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho nhà giáo Lương Thị Cúc.

Việc lựa chọn học sinh tham gia đội tuyển trải qua nhiều vòng. Vòng 1 tất cả học sinh đều được tham gia các lớp bồi dưỡng, được dự thi cấp trường. Vòng 2 hạn chế số lượng và tiếp tục được kiểm tra. Đến vòng 3 trường mới chốt danh sách. Sự lựa chọn này được công khai cho phụ huynh biết.

Năm học 2023-2024 có tổng số 260 học sinh giỏi cấp tỉnh, qua sàng lọc có 87 học sinh học lớp nhận thức về Đảng và 16 em ưu tú và toàn diện nhất được kết nạp vào Đảng.

Học sinh của trường ngoan ngoãn, có ý thức tự học rất cao. Nhiều nhóm học sinh ở lại trường tự học đến chiều tối. Bạn Nguyễn Ngọc Thùy Lâm, học sinh lớp 11A7 trong đội tuyển Địa lý tâm sự: Chúng em tranh thủ thời gian để tự học.Ngoài giờ học chính khóa, học sinh có thể nhắn tin hỏi cô giáo về bài vở hoặc học chung qua phần mềm Zoom.

Đường đến vinh quang của Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (Vĩnh Phúc) ảnh 3

Thầy trò nhà trường tại lễ khai giảng năm học 2024-2025.

Nhà trường triển khai nhiều cuộc khảo sát, lấy ý kiến của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Nhà giáo Triệu Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc khảo sát được thực hiện ngay sau khi học sinh nhập trường để định hướng mục tiêu học tập sớm. Hết lớp 10, lên lớp 11, lớp 12 trường đều tiến hành khảo sát tìm hiểu lựa chọn, đánh giá của học sinh.

Đối với lớp 11, câu hỏi sẽ là thầy cô nào dạy dễ hiểu, dạy khó hiểu; thầy cô nào học sinh thích học. Đối với lớp 12, trường điều tra về hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT, nhu cầu thi đánh giá năng lực.Học sinh chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 được đề nghị góp ý đối với khóa sau. Người trả lời không cần ghi tên mình.

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 11, nhà trường hỏi về cách thức tổ chức hoạt động đoàn, hoạt động ngoại khóa thế nào cho phù hợp. Trường cũng khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh mỗi năm 2 lần qua bảng hỏi. Thông tin từ phiếu khảo sát giúp cho Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu điều chỉnh hoạt động, định hướng chương trình dạy học sát với nhu cầu.

Nỗ lực của thầy trò trường THPT Ngô Gia Tự đã được đền đáp xứng đáng với rất nhiều phần thưởng, lời ngợi khen từ cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh.