Muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau
Nhiều năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm chăm lo, đầu tư cho giáo dục, song xã hội thay đổi, giáo dục tất yếu phải thay đổi. Giáo dục Vĩnh Phúc đã có hàng loạt điều chỉnh trong công tác quản trị, điều hành, tham mưu xây dựng chiến lược phát triển và đặc biệt là tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng xã hội cùng vào cuộc.
Tỷ phú Warren Buffett từng nói “nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Triết lý đó đang được ngành giáo dục Vĩnh Phúc cụ thể hóa với việc chủ động bắt tay với các ngành khác. Chưa khi nào ngành y tế lại gắn bó với ngành giáo dục như thế trong hai năm đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhất là năm học 2020 – 2021. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Kỳ thi tuyển học sinh lớp 10, ôn thi cho học sinh lớp 12, thi tốt nghiệp THPT đều có các kịch bản chống dịch riêng. Nhờ nỗ lực của toàn tỉnh mà hôm nay, hơn 330.000 học sinh thuộc 508 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh vẫn được đến trường học tập, vui chơi.
Ở cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đối thoại với hơn 700 cán bộ quản lý ngành Giáo dục vào tháng 10/2020. Các địa phương cũng chung tay giải quyết những vấn đề của giáo dục với những biện pháp đa dạng. Ba năm gần đây, Thành ủy Vĩnh Yên triển khai luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo điều động và biệt phái nhiều giáo viên, nhân viên để chống tư tưởng “an phận thủ thường”. Thành phố vừa thông qua Đề án về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 – 2025 và Chương trình nâng cao chất lượng dạy tin học và ngoại ngữ. Những năm gần đây Giáo dục Vĩnh Yên liên tiếp giữ vị trí đứng đầu tỉnh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Thị Kim Chung khẳng định, ngành Giáo dục không còn đơn độc mà có sự tham gia trách nhiệm của toàn xã hội, tự tin đương đầu với các thách thức.
Tháng 7 vừa qua, Huyện ủy Sông Lô thông qua Nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2021-2025; yêu cầu bố trí tối thiểu 20% từ vốn kế hoạch đầu tư công của huyện cho giáo dục; cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và việc tăng lớp. Thời gian tới, huyện Sông Lô sẽ bảo đảm đủ điều kiện để các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đồng thời xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ theo từng giai đoạn.
Hằng năm tỉnh tổ chức vinh danh các dòng họ khoa bảng, các gia đình hiếu học tiêu biểu. Vĩnh Phúc có cơ chế thu hút giáo viên giỏi, người có trình độ cao về tỉnh công tác, mời gọi giáo sư, phó giáo sư từ Hà Nội thỉnh giảng. Sự tham gia của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục còn thể hiện ở con số 5 tỷ đồng xây dựng Quỹ Khuyến học tỉnh và số tiền các nhà tài trợ cam kết ủng hộ cho Quỹ lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nhiều Quỹ Khuyến học các huyện, thành phố vận động được hơn 2 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, hàng nghìn học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó được hỗ trợ, động viên kịp thời.
Về xây dựng cơ chế, chính sách, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyến cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh đang nghiên cứu ban hành 6 nghị quyết liên quan đến giáo dục, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chuẩn bị ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030. Đó là những căn cứ quan trọng để phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành chung tay vì sự nghiệp giáo dục.
Tâm huyết và chuyển động
Bối cảnh năm học qua khiến cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của Vĩnh Phúc “quay như chong chóng” vì dịch bệnh tấn công, phải thay đổi lịch dạy, lịch họp, phương thức dạy học, và phải tranh thủ từng giờ từng phút để bảo đảm chương trình. Thầy Huyến nhớ lại những quyết định trong thời điểm hết sức khó khăn: Sở quyết định cho phép các trường tổ chức ôn luyện trực tiếp cho học sinh lớp 12 vào lúc dịch ở Vĩnh Phúc tạm lắng xuống, nhưng ở nơi khác vẫn diễn biến phức tạp. Phối hợp Sở Y tế xây dựng một kịch bản phòng dịch rất chi tiết từ phân luồng, phân ca, chia nhóm lớp, bố trí y tế trực cho đến trang thiết bị chống dịch. Chính một tháng chớp thời cơ dạy học đó đã tạo nên sự khác biệt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Vĩnh Tường) cho biết, trường thành lập một tổ hỗ trợ học sinh lớp 12 gồm 30 thầy cô, tổ chức dạy ba ca mỗi ngày. Hai ca ngày học trực tiếp, bảo đảm giãn cách. Ca tối dành cho học sinh có học lực yếu hơn, được tổ chức thành các nhóm học online. Đội ngũ giáo viên làm việc gấp ba công suất bình thường mà không có thêm khoản thu nhập nào. Nhờ tình yêu nghề và quyết tâm cao, THPT Nguyễn Viết Xuân đạt kết quả thứ hai toàn tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đáng nói là, ngôi trường này nằm ở vùng nông thôn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn và đầu vào của học sinh khá thấp.
Trong khó khăn đã lóe lên những sáng kiến. Người đi đầu trong tổ chức dạy học trực tuyến là thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên). Khi học sinh phải nghỉ học, thầy Mạnh thông báo dạy học trực tuyến trên mạng. Học sinh học lý thuyết qua các video, làm bài tập và được chấm điểm, nhận xét online. Sau này khi Hà Nội tổ chức dạy trên truyền hình, Giám đốc Sở chỉ đạo tiếp sóng cho học sinh xem, coi như đi học nhờ, đồng thời tải các chương trình dạy học trên Truyền hình Hà Nội về xây dựng thành kho dữ liệu của tỉnh. Các trường mầm non thì làm các clip, đưa lên fanpage, facebook. Các trường THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp đều sáng tạo trong tổ chức và quản lý giảng dạy, bảo đảm khung kế hoạch thời gian năm học.
Tuy nhiên, dạy học trực tuyến cũng có không ít khó khăn. Cô Nguyễn Thu Ba, Hiệu trưởng trường tiểu học Tích Sơn (thành phố Vĩnh Yên) cho biết, mạng thiếu ổn định cho nên buổi học hay bị ngắt quãng. Để tránh nhàm chán trong dạy trực tuyến, giáo viên của trường phải chuẩn bị bài kỹ hơn, phải học cách sử dụng máy tính và các phần mềm. Rất mừng là đội ngũ giáo viên tin học của trường có thể hướng dẫn các giáo viên khác kỹ năng về sử dụng máy tính để soạn bài, ra đề, kiểm tra, đánh giá. Đến nay, đội ngũ giáo viên của trường này đã có thể thích ứng với các phương pháp giảng dạy khác nhau.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục triển khai hàng loạt biện pháp kích thích đổi mới, sáng tạo, như điều động cán bộ quản lý đến các đơn vị trì trệ, biệt phái giáo viên giữa các trường. Được động viên kịp thời, nhiều cán bộ quản lý phát huy được phẩm chất lãnh đạo, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong điều hành, huy động nguồn lực. Nhiều trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học, quản trị và cả hoạt động Đoàn, Đội. Cơ sở vật chất của ngành giáo dục được đầu tư, mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hơn 70 văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trực thuộc Sở đều xây dựng các kịch bản dạy học theo các mức độ của dịch. Quan điểm của ngành Giáo dục là học sinh nghỉ nhưng giáo viên không nghỉ. Học sinh nào không có điều kiện học online thì giáo viên hướng dẫn, ra bài tập và kiểm tra nhằm duy trì trạng thái học tập mọi lúc, mọi nơi.
Nhìn lại một năm học với nhiều thăng trầm, đội ngũ nhà giáo tỉnh Vĩnh Phúc có thể thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đứng thứ 5 toàn quốc. Toàn tỉnh có 82 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 11 giải nhất, có hai em đạt huy chương Olympic quốc tế. Phụ huynh đồng thuận, xã hội ghi nhận, vị thế của ngành được nâng cao.
Nhìn về tương lai, tỉnh Vĩnh Phúc cần nghiên cứu chính sách riêng về tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học, giáo viên giỏi. Ngành giáo dục cần tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên phát huy thiên hướng, sự đam mê, sở trường công tác và năng lực cá nhân, coi đó là biện pháp cải thiện thu nhập và đời sống tinh thần cho giáo viên. Giáo dục Vĩnh Phúc cũng cần hướng đến cung cấp các dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của một tỉnh công nghiệp phát triển năng động, đang bứt phá trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Còn nhiều nữa những ý tưởng mới mẻ đang hình thành trong mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh để Giáo dục của tỉnh tiếp tục gặt hái những thành công trong tương lai.