Vĩnh Phúc hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn khu công nghiệp

NDO -

Trước tình hình nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục phải đóng cửa, ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền cho trẻ em, giáo viên, cơ sở mầm non dân lập, tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp.

Một phòng học mẫu giáo của Trường mầm non Tiền Châu (thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc). (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ)
Một phòng học mẫu giáo của Trường mầm non Tiền Châu (thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc). (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ)

Theo đó, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định, sẽ được hưởng mức hỗ trợ là 220.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Tỉnh hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định ở địa bàn huyện, thành phố có khu công nghiệp của tỉnh.

Người trong diện được hưởng chế độ phải bảo đảm các điều kiện: Đạt trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Mức hỗ trợ là 800.000 đồng/tháng, thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn huyện, thành phố có khu công nghiệp của tỉnh, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, được tỉnh hỗ trợ một lần là 20 triệu đồng để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 4.429 trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp; 76 cơ sở mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục với 165 giáo viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định này.