Những năm trước, khi thời tiết bước vào giai đoạn nóng nực nhất của mùa hè thì du lịch Thủ đô cũng bước vào giai đoạn thấp điểm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 6/2024, ngành du lịch vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định với tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,49 triệu lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này giúp 6 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Thủ đô có bước bứt phá mạnh mẽ.
Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội từ đầu năm 2024 đến hết tháng 6 ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số đó, số khách du lịch quốc tế có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2023 với mức tăng lên tới 52,6%, ước đạt 3,14 triệu lượt, còn lại là khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này có được nhờ ngành Du lịch Hà Nội đã khai trương nhiều tour, tuyến du lịch mới như: Tuyến du lịch với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long- Hà Nội” khai thác các điểm du lịch ngoại thành phía nam Thủ đô, khai trương điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền (huyện Ba Vì)…
Sở Du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội-Hà Nam-Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội-Sơn La, Hà Nội-Lào Cai-Lai Châu.
Năm 2024, các tổ chức, chuyên gia, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế tiếp tục đề cử, vinh danh Hà Nội tại các giải thưởng uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế như Du lịch Hà Nội tiếp tục được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) đề cử ở 2 hạng mục Asia's Điểm đến kỳ nghỉ ngắn ngày tại thành phố hàng đầu châu Á (Leading City Break Destination 2024) và Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á (Asia's Leading City Destination 2024).
Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội đủ để đáp ứng trước nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng cao.
Toàn thành phố có 4.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao, với tổng số 26.641 phòng.
Hà Nội cũng có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở vui chơi giải trí, 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống này đã thu hút, phục vụ đông đảo du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.
Mới đây, thương hiệu Michelin đã công bố các nhà hàng của Việt Nam được lựa chọn vào các danh sách gồm: Michelin Stars (sao Michelin), Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng) và Michelin Selected (nhà hàng do Michelin Guide đề xuất) và Michelin Guide Special Awards (giải thưởng đặc biệt).
Hàng chục nhà hàng của Hà Nội xuất hiện trong danh sách này. Riêng giải thưởng Nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng, Hà Nội chiếm 18 trong tổng số 42 nhà hàng.
Việc lọt vào danh sách của Michelin có ý nghĩa rất lớn trong quảng bá thương hiệu ẩm thực Thủ đô.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Hà Nội sẽ phát triển các loại hình du lịch gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn cũng được triển khai; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối với các điểm du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ-Bát Tràng-đền thờ Chử Đồng Tử…
Không chỉ khẳng định là trung tâm du lịch lớn của cả nước, ngành Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.