Dòng vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latin và Caribe đạt mức kỷ lục là 224,579 tỷ USD trong năm 2022. Kể từ năm 2013, dòng vốn FDI chưa từng vượt mức 200 tỷ USD. Brazil được coi là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tới 41% tổng vốn đầu tư vào khu vực và đứng thứ 5 trong danh sách điểm đến FDI toàn cầu, tiếp theo đó là Mexico (17%), Chile (9%), Colombia (8%), Argentina (7%).
Hơn một nửa số vốn FDI vào khu vực Mỹ Latin tập trung ở ngành dịch vụ, mặc dù cả lĩnh vực sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên đều phục hồi. Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) Jose Manuel Salazar-Xirinachs nhận định, nhiệm vụ của khu vực không chỉ là thu hút và giữ chân các nhà đầu tư mà còn làm sao để tối đa hóa đóng góp của FDI vào phát triển kinh tế-xã hội. Theo quan chức CEPAL, các quốc gia nên quan tâm đến chính sách thúc đẩy sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, củng cố cơ sở hạ tầng, hậu cần và nâng cao năng lực địa phương.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng ngoạn mục vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực Mỹ Latin và Caribe là nhờ những nỗ lực đẩy mạnh hợp tác, kết nối chặt chẽ với các đối tác suốt thời gian qua. Với kim ngạch thương mại song phương trong năm 2022 đạt khoảng 300 tỷ euro, EU hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ ba của khu vực Mỹ Latin và Caribe. Hội nghị cấp cao giữa EU và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) diễn ra vào ngày 17 và 18/7 tới được kỳ vọng tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác mới, toàn diện trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng tái tạo...
Hồi tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng có chuyến công du tới các nước Mỹ Latin. Tại điểm dừng chân đầu tiên là Brazil, bà Ursula von der Leyen khẳng định, EU là nhà đầu tư chính trong khu vực với khoản đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ euro vào năm 2027 dành cho các dự án phát triển bền vững.
Mối quan hệ truyền thống với Nga cũng được các nước Mỹ Latin chú trọng củng cố. Hồi tháng 4/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm bốn quốc gia trong khu vực gồm Brazil, Venezuela, Nicaragua và Cuba. Lịch trình dày đặc của nhà ngoại giao Nga cho thấy sức hút đặc biệt của khu vực này đối với Moskva, cùng quyết tâm tăng cường hợp tác trong bối cảnh Nga phải đối mặt những khó khăn từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Iran, Ấn Độ cũng mở rộng dấu ấn sang Mỹ Latin với nhiều chuyến công du và cam kết hợp tác.
Dòng vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latin và Caribe đạt mức kỷ lục là 224,579 tỷ USD trong năm 2022. Kể từ năm 2013, dòng vốn FDI chưa từng vượt mức 200 tỷ USD. Brazil được coi là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tới 41% tổng vốn đầu tư vào khu vực và đứng thứ 5 trong danh sách điểm đến FDI toàn cầu, tiếp theo đó là Mexico (17%), Chile (9%), Colombia (8%), Argentina (7%).
Tuy dòng vốn đầu tư vào Mỹ Latin tăng nhanh song giới chuyên gia nhận định, để có thể duy trì sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, còn nhiều vấn đề khu vực này phải tập trung giải quyết. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của khu vực Mỹ Latin và Caribe là 1,4%.
Theo WB, dù các nền kinh tế trong khu vực đến nay đã cơ bản phục hồi về mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng tăng trưởng trong những năm tới vẫn ở mức thấp và khu vực còn gặp khó khăn trong cuộc chiến chống đói nghèo, xoa dịu căng thẳng xã hội.
Theo cơ quan nghiên cứu kinh tế Moody’s Analytics, khu vực Mỹ Latin còn có thể thiệt hại tới 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối thế kỷ này do các hình thái thời tiết cực đoan.
Hệ quả của đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine, tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng ảnh hưởng đến đà phục hồi và phát triển kinh tế của mọi quốc gia, trong đó có khu vực Mỹ Latin. Việc khu vực này và các đối tác tăng cường kết nối, xích lại gần nhau để tìm kiếm cơ hội hợp tác mới sẽ mang lại lợi ích cho các bên, tạo động lực cùng nhau vượt qua thách thức.