Trong báo cáo mới đây của Moody’s Analytics, cơ quan nghiên cứu kinh tế này nhấn mạnh tình trạng biến đổi khí hậu có thể khiến các nước Mỹ Latin và Caribe thiệt hại tới 16% GDP vào cuối thế kỷ này, trong trường hợp các quốc gia trong khu vực không có bất kỳ chính sách kiểm soát mới nào. Cũng theo báo cáo nhận định, nếu các nước trong khu vực triển khai ngay lập tức chính sách không phát thải thì Mỹ Latin và Caribe sẽ ghi nhận mức tổn thất thấp, khoảng 3,5% GDP, vào năm 2100. Trong số này, những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu là các quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong khu vực, bao gồm Venezuela, Colombia, Brazil và Mexico.
Không chỉ tác động tiêu cực tới kinh tế, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân Mỹ Latin và Caribe. Những hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường như đợt hạn hán lịch sử vừa qua tại Argentina, lũ lụt và lở đất khiến 48 người chết tại Brazil hay tình trạng cháy rừng diễn ra thường xuyên tại Chile là những minh chứng rõ nét hậu quả của biến đổi khí hậu tác động đến con người. Nhằm đối phó vấn đề môi trường, các quốc gia trong khu vực đang ngày càng chú trọng các giải pháp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như đẩy mạnh sản xuất và sử dụng những nguồn năng lượng sạch.
Dựa trên số liệu được cung cấp bởi Tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám sát phát triển năng lượng sạch Global Energy Monitor (GEM), tính tới tháng 1/2023, công suất khai thác năng lượng mặt trời tại khu vực Mỹ Latin và Caribe cao gấp bốn lần so với châu Âu và gần bảy lần so với Ấn Độ. Tuy vậy, năng lượng mặt trời hiện chỉ chiếm khoảng 3 đến 4% sản lượng điện của toàn khu vực. Các nước đang nỗ lực mở rộng cơ sở hạ tầng sẵn có và tạo thêm sản lượng năng lượng mặt trời. Với gần 250 dự án và hướng tới công suất kỳ vọng khoảng hơn 19.000 megawatt, trong tương lai, điện mặt trời hứa hẹn sẽ đóng góp phần lớn vào sản lượng điện cung cấp tại Mỹ Latin và Caribe.
Những nước đi đầu về lĩnh vực năng lượng mặt trời trong khu vực gồm Brazil, Colombia, Mexico, Peru và Chile. Các quốc gia này sản xuất hơn 88% sản lượng điện mặt trời hiện nay cũng như khoảng 97% sản lượng bổ sung trong các dự án đang được tiến hành. Đây cũng là nhóm quốc gia có lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ ngành điện cao nhất trong khu vực với 65%. Do đó, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ điện mặt trời sẽ giúp làm giảm đáng kể ô nhiễm tại Mỹ Latin và Caribe, đồng thời đóng góp không nhỏ trong nỗ lực hạn chế lượng khí thải CO2 toàn cầu trước năm 2050.
Bên cạnh các kế hoạch mở rộng khai thác năng lượng mặt trời, sự gia tăng về sản lượng năng lượng gió cũng giúp đẩy mạnh nguồn cung năng lượng sạch của khu vực Mỹ Latin và Caribe. Theo tính toán của các chuyên gia GEM, đến năm 2030, những dự án đang triển khai sẽ giúp mở rộng sản lượng điện mặt trời và điện gió lên hơn 460% so với hiện tại, hướng tới cung cấp khoảng 70% lượng điện từ tất cả các nguồn phát điện kết hợp trong khu vực hiện nay. Điều này có thể giúp ngành công nghiệp điện làm chậm quá trình phát thải, vốn đã tăng hơn 25% kể từ năm 2010.
Mỹ Latin và Caribe đang là một trong những khu vực giàu tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo. Sản xuất năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, trong bối cảnh giá nhiên liệu hoá thạch tăng cao sau cuộc xung đột tại Ukraine cũng như giá thành của các tấm pin mặt trời và tua-bin gió có xu hướng giảm. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn phát điện lớn nhất thế giới vào đầu năm 2025, vượt qua than đá. Muốn đạt được mục tiêu này, quá trình chuyển đổi cần phải được đẩy nhanh để đáp ứng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC theo Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.