Chính phủ các quốc gia Mỹ Latin và Caribe đang đẩy mạnh hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai tươi đẹp hơn.
Trong bản báo cáo đặc biệt về tiến trình thực hiện các SDG vừa công bố, Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại thế giới khó có thể hoàn thành kịp thời điểm các mục tiêu đã cam kết về xây dựng xã hội bình đẳng và công bằng hơn trên toàn thế giới.
Các vấn đề về môi trường, khí hậu, nghèo đói hay bất bình đẳng diễn ra ngày càng phức tạp là nguyên nhân chính dẫn tới lo ngại trên của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh. Trong đó, hủ tục tảo hôn nổi lên như một trong những rào cản lớn trong tiến trình hoàn thành các SDG, nhất là tại khu vực Mỹ Latin và Caribe.
Theo báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khu vực Mỹ Latin và Caribe hiện có khoảng 58 triệu trẻ em gái đã kết hôn, chiếm khoảng 9% tổng số trường hợp tảo hôn trên toàn thế giới. Ước tính, khoảng 640 triệu trẻ em gái và phụ nữ trên thế giới hiện nay kết hôn khi còn nhỏ, tương đương 12 triệu người mỗi năm.
Thế giới khó có thể hoàn thành kịp thời điểm các mục tiêu đã cam kết về xây dựng xã hội bình đẳng và công bằng hơn trên toàn thế giới.
Cũng theo báo cáo này, dù đã có nhiều bước tiến trong việc hạn chế và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, song khu vực Nam Á hiện vẫn đứng đầu thế giới với khoảng 45%, theo sau là khu vực châu Phi cận Sahara với khoảng 20%. Sau giai đoạn đạt được tiến bộ, thời gian gần đây, cuộc chiến chống nạn tảo hôn tại các khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu và Trung Á cũng dần rơi vào tình trạng trì trệ.
Tỷ lệ phụ nữ trẻ kết hôn sớm đã giảm từ 21% xuống 19% trong vòng 5 năm qua. Tuy vậy, các chuyên gia của UNICEF ước tính tốc độ giảm trên toàn cầu sẽ cần phải nhanh hơn 20 lần nếu muốn hoàn thành SDG nhằm chấm dứt tảo hôn vào năm 2030.
Theo bà Ana Guezmes, Trưởng phòng phụ trách các vấn đề về giới thuộc Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, khoảng 22% số trẻ em gái hoặc thanh, thiếu niên trong khu vực kết hôn sớm, đáng lo ngại là tỷ lệ này không có thay đổi đáng kể nào trong suốt 25 năm qua. Nếu tình trạng này tiếp tục không được cải thiện, Mỹ Latin có khả năng trở thành khu vực có mức độ tảo hôn cao thứ hai thế giới vào năm 2030, chỉ sau vùng châu Phi cận Sahara.
UNICEF bày tỏ quan ngại những bước tiến trong nỗ lực loại bỏ tục tảo hôn hiện rất mong manh, thậm chí đang “lâm nguy”. Cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, cùng với đó là các cuộc xung đột toàn cầu và tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có thể đảo ngược những thành quả vốn đã khó đạt được.
Những cuộc khủng hoảng như vậy có thể khiến các gia đình nghèo phải chọn gả con sớm như một biện pháp an toàn. UNICEF ước tính, chỉ riêng Covid-19 có thể là nguyên nhân dẫn tới khoảng 10 triệu vụ tảo hôn trong giai đoạn 2020-2030.
UNICEF ước tính, chỉ riêng Covid-19 có thể là nguyên nhân dẫn tới khoảng 10 triệu vụ tảo hôn trong giai đoạn 2020-2030.
Các chuyên gia lo ngại, những bé gái kết hôn sớm sẽ phải đối mặt nhiều hậu quả nghiêm trọng và dai dẳng, như ít có khả năng tiếp tục được đi học, gia tăng nguy cơ mang thai sớm dẫn tới tăng khả năng mắc các biến chứng sức khỏe và tử vong cho trẻ sơ sinh và người mẹ. Tảo hôn cũng có thể cô lập các em gái khỏi gia đình và bạn bè, hạn chế các em tham gia vào hoạt động cộng đồng, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cá nhân.
Báo cáo của UNICEF cũng lưu ý, mặc dù tảo hôn là hành vi vi phạm quyền trẻ em nhưng các gia đình thường coi đó là biện pháp bảo vệ các bé gái, mang lại sự bảo đảm về tài chính, xã hội hoặc thậm chí cả thể chất. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ cũng coi đó là cách để bớt đi một người phụ thuộc.
Tuy vậy, thực tế đáng buồn dễ nhận thấy là nạn tảo hôn đang dập tắt hy vọng và ước mơ của những trẻ em dễ tổn thương, nhất là những bé gái lẽ ra được cắp sách tới trường với bạn bè đồng trang lứa, thay vì phải kết hôn sớm theo sự sắp đặt của gia đình. Các chuyên gia tin rằng, những thành quả trong cuộc chiến đẩy lùi nạn tảo hôn tại Mỹ Latin và Caribe cũng như trên thế giới chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các SDG vào năm 2030.