Mang bản sắc văn hóa Việt Nam tới Army Games 2021

NDO -

Cùng với những bài tập chuyên môn sẵn sàng tham gia tranh tài tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021, một số đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chủ động “trang bị” thêm những yếu tố mang đậm bản sắc Việt Nam để quảng bá thông qua những nội dung thi.

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, đội trưởng "Đội quân văn hóa" tham gia Army Games 2021. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, đội trưởng "Đội quân văn hóa" tham gia Army Games 2021. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế

Khác với hội thao năm ngoái, Army Games 2021 lần đầu tiên xếp biểu diễn văn hóa nghệ thuật là một trong những nội dung thi đấu chính thức với tên gọi “Đội quân văn hóa”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Đội trưởng “Đội quân văn hóa” của Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, tham gia Army Games 2021, bên cạnh những mục tiêu như nhằm cọ xát, nâng cao chất lượng, kỹ năng biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đội tuyển còn có thêm nhiệm vụ là thông qua các tiết mục biểu diễn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong hội nhập và phát triển, đồng thời cũng là cơ hội để giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Nhiệm vụ của đội tuyển là thông qua các nội dung thi biểu diễn văn hóa nghệ thuật phải chuyển tải được những nét tinh túy nhất của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với những nét tinh túy nhất của truyền thống cũng như những nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới”, Đội trưởng Đặng Mỹ Hạnh cho biết.

Đội trưởng Hạnh tiết lộ, căn cứ nhiệm vụ được giao, trong hoạt động triển lãm tại hội thao, đội tuyển xác định chủ đề là “Quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập và phát triển” bảo đảm đáp ứng đủ các tiêu chí mà ban tổ chức đặt ra, trong đó đề cao việc ứng dụng công nghệ vào chiến lược phát triển và tính tương tác với khán giả.

Ngoài ra, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tất cả các tiết mục biểu diễn của đội tuyển tại hội thao năm nay đều sử dụng hình ảnh minh họa của đất nước Việt Nam trong đổi mới và phát triển.

“Tất cả từ trang phục đến lựa chọn sử dụng loại nhạc cụ gì, hay tác phẩm biểu diễn và cách thức biểu diễn ra làm sao đều rất Việt Nam – một Việt Nam trong hội nhập và phát triển”, Thượng tá Hạnh khẳng định.

Chia sẻ về một số tiết mục mà đội tuyển chuẩn bị cho cuộc thi, Thượng tá Hạnh cho biết trong nội dung thanh nhạc, đội tuyển lựa chọn trình diễn hát văn bài “Cô Đôi thượng ngàn”, là một hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ việc lựa chọn tác phẩm dẫn đến yêu cầu về trang phục, về hình ảnh minh họa, và để làm sao chuyển tải được tác phẩm này thì đòi hỏi đội tuyển phải chuyển ngữ sang tiếng Nga thành một câu chuyện hoàn chỉnh nhằm giúp cho bạn bè quốc tế hiểu được về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

“Bên cạnh đó, đội tuyển còn lựa chọn một số nhạc cụ như sáo trúc, đàn T’Rưng...đều được làm từ cây tre Việt Nam. Trong văn hóa Việt Nam thì “cây tre giữ làng, giữ nước, cây tre đánh đuổi giặc ngoại xâm”, và chúng tôi mong muốn thông qua những âm thanh phát ra từ những nhạc cụ đó gửi thông điệp bình yên cho đất nước và sự hòa bình”, Thượng tá Hạnh nói.

Nhiều món ăn đặc sắc các vùng miền của Việt Nam sẽ xuất hiện tại Army Games 2021

Tổ trưởng Tổ nấu thuộc đội tuyển “Bếp dã chiến” Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2021, anh Trần Đăng Việt cho biết, rút kinh nghiệm từ những kỳ hội thao trước, năm nay đội tuyển đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Đặc biệt, các món ăn đội tuyển dự định trình diễn tại Army Games 2021 đều mang đậm bản sắc các vùng miền của Việt Nam. Từ vùng cao xuống thì có các món như “cá nướng mắc khén”, “vịt quay Lạng Sơn”. Hay như món ăn đại diện cho vùng thủ đô Hà Nội xuất hiện tại Army Games 2021 là món nộm bò khô...

Mang bản sắc văn hóa Việt Nam tới Army Games 2021 -0
Đội tuyển Bếp dã chiến Quân đội nhân dân Việt Nam đã thi đấu đạt kết quả tốt tại Army Games 2020. (Ảnh: TRỌNG HẢI)

Bên cạnh đó, đội tuyển cũng chuẩn bị sẵn những món ăn dân gian truyền thống như “gà mẫu tử đoàn viên”, “bò cuộn cải lồng đèn”, “tôm chiên cốm”, “cá quả hóa rồng”, hay như một số món ăn phục vụ người dân đến thăm như nem dế, phồng tôm...

Tổ trưởng Trần Đăng Việt cho biết, do năm nay đội tuyển “Bếp dã chiến” sẽ thi tại Uzebekistan – quốc gia có phần lớn dân số theo Hồi giáo, nên thay vì làm những món từ thịt lợn, đội tuyển sẽ sử dụng thịt cừu và làm các món ăn chế biến từ gia cầm.

“Năm nay đội tuyển đã chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy được khả năng của từng tổ, cả Tổ bánh lẫn Tổ nấu đều làm thêm được nhiều sản phẩm để cộng điểm. Như Tổ nấu thì đối với mỗi thực đơn chúng tôi làm thêm được ba loại sản phẩm. Còn với Tổ bánh thì cũng làm thêm được từ 20 đến 25 loại sản phẩm trong giai đoạn 2 của nội dung thi. Do đó năm nay đội tuyển hứa hẹn sẽ được cộng nhiều điểm trong quá trình thi”, Tổ trưởng Tổ bếp Trần Đăng Việt kỳ vọng.

Tại Hội thao Quân sự quốc tế 2021 (Army Games 2021), cuộc thi “Bếp dã chiến” lần đầu tiên được tổ chức tại Uzbekistan. 

Thành phần tham gia thi nội dung “Bếp dã chiến” năm nay không có nhiều thay đổi, bao gồm các đầu bếp quân nhân đến từ 6 nước: Abkhazia, Armenia, Belarus, Việt Nam, Nga và Uzbekistan.