Đổi mới công tác biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng

Cùng với việc đẩy nhanh công tác nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Ðảng, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát huy giá trị các công trình sách đã xuất bản để bồi dưỡng các thế hệ tình yêu quê hương, đất nước, tự hào lịch sử cách mạng của dân tộc, tiếp tục ra sức xây dựng quê hương, đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), sách về đề tài lịch sử thu hút nhiều bạn trẻ tìm đọc. (Ảnh ANH THẾ)
Tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), sách về đề tài lịch sử thu hút nhiều bạn trẻ tìm đọc. (Ảnh ANH THẾ)

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Ðảng”, Thành ủy thành phố tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Ðảng; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử với tổng số 203 công trình, trong đó, cấp thành phố 59 công trình; cấp quận, huyện là 32 ấn phẩm; cấp phường, xã, thị trấn 75 ấn phẩm, 37 ấn phẩm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc.

Các công trình kể trên có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn, đáp ứng được mục đích, yêu cầu Chỉ thị 20-CT/TW đặt ra. Tiêu biểu như sách “Tiểu sử các đồng chí lãnh đạo thờ tại khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh (1930-1975)” gồm hai tập; sách “Ðảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - 90 năm dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng Cộng sản Việt Nam”, xuất bản năm 2021; sách “Lịch sử chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh 1945-2015” gồm ba tập; sách “Ðồng chí Võ Văn Kiệt-Dấu ấn sâu đậm trong lòng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh, Thành phố Hồ Chí Minh”, xuất bản năm 2022… và nhiều công trình khác dự kiến xuất bản trong năm 2023, 2024.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Phạm Ðức Hải, thành phố đã triển khai thực hiện tốt việc nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Ðảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị. Hiện có 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Ðức và 281/312 phường, xã, thị trấn đã biên soạn, xuất bản công trình lịch sử Ðảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1975 và giai đoạn từ năm 1975 đến những năm gần đây. Công tác tuyên truyền lịch sử Ðảng bộ, lịch sử truyền thống được các cấp, các ngành đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng internet, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Ðảng thấm sâu hơn vào mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân.

Cụ thể, đến nay, Quận 1 đã hoàn thành công tác biên soạn lịch sử Ðảng bộ 10 phường giai đoạn 1930-2010. Quận cũng đã xuất bản ấn phẩm kỷ yếu Ban Chấp hành Ðảng bộ quận, nhiệm kỳ 2015-2020; lịch sử Công an quận (1975-2015); dự kiến, năm 2023 sẽ xuất bản, ra mắt Biên niên Lịch sử Ðảng bộ quận, giai đoạn 2000-2020. Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1, Nguyễn Trung Châu Tuyên cho biết: Song song với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Ðảng bộ địa phương, quận tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Ðảng bằng cách lồng ghép các phương pháp truyền thống và hiện đại.

Trong đó, quận khai thác, tận dụng tối đa công nghệ thông tin, mạng internet và các nền tảng mạng xã hội trong các hoạt động tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Ðảng có sức lan tỏa rộng rãi. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn, hiện huyện đã thực hiện xong 20 công trình lịch sử Ðảng; 10/12 xã, thị trấn hoàn thành công trình biên soạn lịch sử đảng bộ xã đến năm 2005.

Thời gian qua, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện đã đưa nội dung giảng dạy lịch sử Ðảng bộ huyện Hóc Môn vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở như lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, các lớp sơ cấp lý luận chính trị. Các trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch lồng ghép tổ chức giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương trong giờ học chính khóa hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa…

Theo đánh giá của Thành ủy, mặc dù công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Ðảng trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác này vẫn còn những hạn chế cần quan tâm khắc phục. Ðó là, việc bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn lịch sử Ðảng còn những bất cập, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, chỉ có 6/22 đơn vị bố trí được đúng cán bộ chuyên môn.

Ngoài ra, tại một số cơ quan, đơn vị do nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử ít, lưu trữ còn hạn chế nên chậm triển khai viết lịch sử truyền thống địa phương, đơn vị; việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với các đối tượng tuyên truyền, nhất là đối tượng trẻ chưa được quan tâm đầu tư. Theo ông Võ Phúc Toàn, Hội Khoa học Lịch sử thành phố, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Ðảng trong thời gian qua có những hạn chế.

Do đó, khi xây dựng kho dữ liệu lịch sử ở cấp độ thành phố và cấp quận, cần tiến tới hình thức dữ liệu số, thư viện số; cần xây dựng chương trình ký ức nhân chứng để thu thập tư liệu ký ức của các nhân chứng lịch sử dưới dạng băng ghi âm, ghi hình để có thể phục vụ cho công tác biên soạn sách lịch sử. Ðồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Ðảng, lịch sử các địa phương.

Trong đó, cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Ðảng với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn. Ðồng thời, chủ động triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu biên soạn lịch sử Ðảng bộ địa phương, bổ sung quan điểm mới của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII vào các công trình nghiên cứu.

Ngoài ra, cần bố trí thêm cán bộ có năng lực làm công tác lịch sử Ðảng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lịch sử Ðảng; nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Ðảng, lịch sử cách mạng có sức lôi cuốn, thu hút học sinh, sinh viên.