Đạo diễn Đỗ Thanh Hải:

"Diễn viên phim truyền hình chưa phải một nghề"

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

- Nét độc đáo của chương trình so với các đêm trao giải khác, theo anh? 

- Vì đây không phải là một cuộc lựa chọn mang tính chất nghề nghiệp, chuyên môn cao thông qua một hội đồng nghệ thuật thẩm định, mà là phiếu bầu của khán giả dành cho diễn viên yêu thích, do Tạp chí Truyền hình tổ chức từ tháng 3-2004 đến tháng 8-2005 nên quy mô của lễ trao giải không quá lớn.

Công bố kết quả bình chọn chỉ là một phần trong chương trình dài 120 phút này, dù phần trao giải khá xôm trò với giải cho diễn viên có nhiều đóng góp cho phim truyền hình để tôn vinh những nghệ sĩ cao tuổi, giải diễn viên trẻ triển vọng, nam, nữ diễn viên phim truyền hình được yêu thích...  

Phần đầu là cuộc giao lưu diễn viên với khán giả. Chúng tôi đã mời hơn 20 diễn viên cả nước tới tham gia, trong đó các gương mặt giao lưu chính là Trà Giang, Lan Hương, Thu An, Mạnh Cường, Thu Hà, Hoàng Hải, Thanh Thuý, Kiều Thanh... 

Cuộc giao lưu sẽ nhìn nhận lại chặng đường phim truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm 35 năm thành lập đài, tâm sự của diễn viên với công chúng, đặt vấn đề: Diễn viên phim truyền hình có thể coi là một nghề chưa, hay vẫn còn manh mún... 

- Điểm nhấn của chương trình là gì, thưa anh? 

- Đó là việc giới thiệu bộ phim truyện truyền hình Việt Nam đầu tiên được phát sóng. Thật ra đó là phim "Người thành phố" từ năm 1982 của đạo diễn Khải Hưng; tuy nhiên, chúng tôi không tìm được tư liệu lưu bộ phim này, nên đành giới thiệu phim "Cánh diều nhỏ" cũng của anh Khải Hưng được phát sóng năm 1983.

Từ khi chương trình "Văn nghệ chủ nhật" ra đời năm 1987, phim truyện truyền hình Việt Nam mới phát triển mạnh, trở thành món ăn tinh thần ưa thích của công chúng. 

- Là một đạo diễn nổi lên với những phim truyện truyền hình làm về giới trẻ từng thu hút nhiều khán giả, anh có nhận xét gì về lớp diễn viên trẻ cho phim truyền hình?

- Phim truyện truyền hình Việt Nam thiếu  những gương mặt diễn viên mới, có những bứt phá. Việc sản xuất phim truyền hình ngày càng "ngốn" một lượng diễn viên ghê gớm. Sinh viên điện ảnh năm thứ 3-4 trong trường đã đi đóng phim, lợi là họ có cơ hội thử sức ngay, hại là chưa đúc kết được kinh nghiệm, chạy sô nhiều, dễ thui chột đi... Cảm nhận văn hóa đọc của diễn viên trẻ ngày nay không tốt.

Diễn viên phim truyền hình lấy ở các đoàn nghệ thuật thì không đầu tư được 100% cho vai diễn, toàn phải lách lịch diễn của đoàn để đóng phim. Thu nhập diễn viên truyền hình chưa cao...

Tóm lại, muốn diễn viên  phim truyền hình thành một nghề phải chuyên nghiệp hoá tất cả các khâu trong nghề làm phim truyền hình. 

- Vì sao đã rất lâu, anh rút vào hậu trường, không làm phim truyện truyền hình? 

- Từ hai năm nay, tôi đang chuẩn bị cho một dự án làm phim truyền hình nhiều tập theo công nghệ mới, thu thanh đồng bộ, lồng tiếng trực tiếp, để mỗi tập phim có thể sản xuất nhanh trong 3-4 ngày. Để làm những phim hàng trăm tập, phải có nguồn kịch bản riêng, có lớp diễn viên riêng, phải có trường quay riêng, thu nhập diễn viên phải cao. Khung kịch bản sẽ mua của nước ngoài, còn lại lắp các yếu tố đời sống của Việt Nam vào cho nhuần nhuyễn... Các công ty tư nhân sẽ cùng hợp tác bỏ vốn đầu tư.  Dự kiến quý II/2006 sẽ lên sóng truyền hình.  

- Lớp đào tạo diễn viên phim truyền hình do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam tổ chức trước đây không có hiệu quả cho dự án các anh? 

- Có nhiều em được đào tạo xong đã tham gia nhiều phim. Tuy nhiên, việc đào tạo chưa mang tính chất bài bản. Đáng ra đào tạo xong, chúng tôi phải ký hợp đồng để các em thành người của trung tâm, tham gia các dự án làm phim, trả lương cho các em - tóm lại trở thành người quản lý (ông bầu) của các em.  

- Anh có lường trước việc tư nhân tham gia làm phim sẽ tác động nhiều đến chất lượng phim, như chuyện "giờ vàng" phim Việt Nam bị kêu nhiều, thời gian gần đây? 

- Tôi nghĩ, giờ vàng là thuận lợi đầu tiên, nhưng chất lượng vàng của phim mới giữ được khán giả lâu dài. Mối quan tâm lớn nhất của lớp đạo diễn trẻ như tôi là từng bước tiếp cận được công nghệ làm phim truyền hình hiện đại ở khu vực.