Diễn đàn Mùa xuân về phát triển Sâm Lai Châu

NDO - Chiều 28/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức “Diễn đàn Mùa xuân về phát triển Sâm Lai Châu”, với sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các sở ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện; các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình trồng sâm tiêu biểu.
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Lai Châu đã tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu.
UBND tỉnh Lai Châu đã tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu.

Sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu, có giá trị lớn về dược liệu và kinh tế. Đến nay tỉnh Lai Châu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: Thực hiện bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng hơn 21.000 cây mô hình; cây sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng; xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản Sâm Lai Châu.

Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho sản phẩm sâm củ tươi được trồng tại Lai Châu và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu”; thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu; tổ chức thành công Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 tạo được sức lan tỏa, để lại những dấu ấn quan trọng, góp phần giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh...

Diễn đàn Mùa xuân về phát triển Sâm Lai Châu ảnh 1

Các đại biểu tham gia Diễn đàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây Sâm Lai Châu. Diện tích có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để gây trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh lớn; hiện tại, tỉnh đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu, trong đó có 17.000ha rất thích hợp để phát triển.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045, theo đó, mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng sâm khoảng 3.000ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu.

Tham gia diễn đàn các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về kinh nghiệm trồng sâm của người dân và hợp tác xã. Giải pháp phát triển vùng trồng sâm của Lai Châu gắn với Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045. Công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng; giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn giống sâm tự nhiên, định hướng phát triển vườn cây giống, trung tâm nhân giống ứng dụng khoa học công nghệ cao. Phát triển trồng sâm trong nhà màng. Các vấn đề pháp lý về cây sâm, từ quá trình trồng đến chế biến và xuất khẩu. Giải pháp, định hướng công nghệ chế biến các sản phẩm từ cây sâm.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu mong muốn, trong thời gian tới cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, Hợp tác xã và Doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cùng chung tay đồng lòng phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu, chia sẻ những bí quyết trồng sâm.

Hiệp hội Sâm Lai Châu và các thành viên Hiệp hội liên kết với người dân tổ chức trồng, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Lai châu, tiến tới ngành công nghiệp Sâm Lai Châu.

Nghiên cứu mở rộng phát triển sâm trong nhà màng, nhà lưới. Tạo ra được thị trường giống và thị trường sâm rộng đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước...

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, các cơ quan chức sớm năng hướng dẫn thủ tục cấp mã vùng trồng cho người trồng sâm, mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng. Thực hiện tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm Sâm Lai Châu. Ban hành sớm kê khai giá để đánh giá đúng giá trị của Sâm Lai Châu; triển khai các quy trình tiến tới xuất khẩu Sâm Lai Châu, tổ chức Lễ hội sâm gắn với sự tích về sâm và văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch. Xây dựng các hợp tác xã đầu tầu trong phát triển sâm tại các bản trồng sâm để thực hiện tốt công tác liên kết với doanh nghiệp.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thương hiệu, các sản phẩm và người trồng sâm... Phát triển Sâm Lai Châu thành thương hiệu Quốc gia.

Nhân dịp này Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 18 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu.