Xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Lai Châu

NDO - Trong khuôn khổ hội chợ Sâm Lai Châu, sáng nay 12/11, tại thành phố Lai Châu diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Lai Châu. Hội nghị có sự tham gia của một số địa phương vùng tiềm năng phát triển sâm trong cả nước, các tổ chức, hiệp hội, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu ký kết hợp tác với đại diện Tập đoàn Đại Nam Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu ký kết hợp tác với đại diện Tập đoàn Đại Nam Sơn.

Theo báo cáo hiện trạng, tiềm năng chính sách hỗ trợ và kế hoạch, định hướng phát triển Sâm Lai Châu, trải qua gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh Lai Châu đã thực hiện bảo tồn được ba vườn cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây giống được trên 21 nghìn cây giống đầu dòng.

Sâm Lai Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Tỉnh Lai Châu đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc thu hoạch, sơ chế và bảo quản Sâm Lai Châu, xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Sâm Lai Châu cho sản phẩm củ tươi trồng tại địa phương…

Sâm Lai Châu là cây bản địa chỉ phân bổ tự nhiên trên địa bàn tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Lai Châu trên 30 nghìn ha diện tích có độ cao, khí hậu phù hợp phát triển cây sâm, tập trung tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm, kiến thức bản địa trong việc canh tác nuôi trồng dược liệu, thị trường tiêu thụ của cây sâm rất tiềm năng…

Về chính sách, ngoài những chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ phát triển nuôi trồng khai thác dược liệu, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… của trung ương; tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển vùng dược liệu như: Chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu, hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Theo kế hoạch đến năm 2030, 100% diện tích sâm tự nhiên của Lai Châu sẽ được quản lý bảo tồn. Tỉnh đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất giống với 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, phát triển vùng sâm tập trung trên 3 nghìn ha, xây dựng một nhà máy chế biến chuyên sâu… đến năm 2045, mở rộng vùng trồng lên trên 10 nghìn ha, xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm chế biến sâu khoảng 30% sản lượng sâm hàng năm…

Từ thực trạng, tiềm năng và những định hướng trên, các đại biểu tham gia Hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để phát triển sâm Lai Châu bền vững, tạo ra giá trị cao cho địa phương và cơ hội vươn lên cho đồng bào.

Theo đó, quá trình phát triển sâm Lai Châu cần phải phù với xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, phát triển sâm phải gắn với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội khác liên quan; cần đưa chuỗi giá trị vào để sâm Lai Châu phát triển được bền vững.

Song song với việc quan tâm đến các chính sách, các giải pháp, các đại biểu cũng tham gia ý kiến, chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm hiện nay của một số địa phương, quốc gia từ đó nhìn vào sâm Lai Châu, cũng như những khó khăn, vướng mắc của người trồng sâm, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, về giống… và đặc biệt là rào cản pháp lý trong quá trình phát triển cây sâm.

Tại hội nghị này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Sâm Lai Châu và một số công ty, tập đoàn lớn chuyên về dược liệu của Việt Nam. Một số địa phương của Lai Châu cũng đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về đầu tư phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn.