Chuyển giao khoa học-kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu

NDO - Chiều 12/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức hội thảo chuyển giao khoa học-kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.

Hội thảo đã thông qua 5 báo cáo khoa học, 12 báo cáo tại Kỷ yếu Hội thảo và 6 ý kiến trao đổi, thảo luận, tập trung vào việc nghiên cứu phân loại, phát triển giống sâm ở Lai Châu; kết quả nghiên cứu kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Lai Châu; giá trị dược học và giải pháp chế biến sản phẩm sâm Lai Châu; chế biến và thương mại sản phẩm sâm.

Các ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi đều xác định cây sâm Lai Châu là loài cây đặc hữu, có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Qua đó, đã cung cấp hệ thống thông tin khoa học và thực tiễn về phân loại thực vật; phân tích, đánh giá thành phần dược liệu, tạo chọn giống, xây dựng quy trình, kỹ thuật trồng trọt, canh tác.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển sâm Hàn Quốc và giải pháp đưa sản phẩm sâm Lai Châu (Việt Nam) vươn xa, ông Lee Sang Shin, Tổng Giám đốc Công ty Viko Energy Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, sâm Hàn Quốc phát triển như ngày nay là được nghiên cứu rất kỹ từ các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về sâm.

Để sâm Lai Châu nói riêng và sâm Việt Nam nói chung phát triển bền vững thì cần ba sự đồng hành. Đó là sự đồng hành của Chính phủ, của phòng nghiên cứu về sâm và của người nông dân - ông Lee Sang Shin nói.

Để sâm Lai Châu nói riêng và sâm Việt Nam nói chung phát triển bền vững thì cần ba sự đồng hành. Đó là sự đồng hành của Chính phủ, của phòng nghiên cứu về sâm và của người nông dân.

Ông Lee Sang Shin

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra một số giải pháp phát triển sâm Lai Châu như: xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo năng suất, chất lượng dược liệu; quy hoạch và phát triển vùng trồng nhưng phải kiểm soát việc mở rộng vùng trồng sâm Lai Châu; nghiên cứu giải pháp về “cơ chế chính sách đặc biệt” phát triển vùng sâm theo hướng tập trung thành hàng hóa với sự tham gia 4 nhà “Nhà nước-doanh nghiệp-nhà nông-nhà khoa học”; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các địa phương có sản phẩm sâm Lai Châu.

Đồng chí Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, khẳng định, các ý kiến tham gia, kết quả nghiên cứu, đề xuất của các đại biểu,nhà nghiên cứu là nền tảng để tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch, chiến lược, chính sách để phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới.

Đồng chí Hà Trọng Hải cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét hỗ trợ Lai Châu phát triển sâm Lai Châu trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề nghị các cơ quan thuộc các bộ, ngành liên quan quan tâm giúp đỡ về chuyên môn cho tỉnh để phát triển thương hiệu sâm Lai Châu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đồng thời đề nghị các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục quan tâm, đóng góp tâm lực, trí tuệ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống kiến thức chuyên sâu trong phát triển trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu, xác định tác dụng dược lý, các sản phẩm chế biến từ cây sâm Lai Châu.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.

Tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sâm Lai Châu.