Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 3132/VPCP-KGVX ngày 4/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về tình hình người lao động mất việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp ban quản lý khu công nghiệp, liên đoàn lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các sở, ngành liên quan báo cáo tình hình lao động, việc làm và đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Báo cáo cần đề cập tới tình hình lao động, việc làm trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, cần đề cập tới tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh và kết quả, so sánh với quý IV năm 2022 trên địa bàn; tình hình lao động-việc làm trên địa bàn.
Cùng với đó, nêu rõ tình hình lao động, việc làm trong các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã…. Các nội dung cần đề cập như: số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm theo loại hình và nguyên nhân; số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng tới việc làm, các giải pháp đã triển khai thực hiện, trong đó có các chính sách hỗ trợ lao động việc làm đã triển khai. Đồng thời, cần đưa ra dự báo tình hình và đề xuất giải pháp.
Đây là cơ sở báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý phù hợp. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm triển khai và gửi báo cáo về Bộ (qua Cục Việc làm) trước ngày 10/5/2023.
Quý I/2023: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính là 2,25%
Trước đó, theo báo cáo tình hình thị trường lao động-việc làm quý I năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số người có việc làm nhìn chung trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý IV/2022.
Lao động tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang) |
Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Tuy nhiên, chỉ số này sụt giảm tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Phước, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên,…, số lao động có việc làm lại có xu hướng giảm so với quý cuối cùng của năm 2022.
Thông tin chi tiết như: số lao động có việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%. Điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.
So với quý trước, thất nghiệp quý I giảm cả về số lượng và tỷ lệ trên cả nước, nhưng các chỉ báo ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn trái ngược.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán. Từ đó, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.