Quý I/2023: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính là 2,25%

NDO - Trong quý I năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang)
Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang)

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2023 của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 29/3 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 ước tính là 2,25%. Con số này giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan này nhận định, tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 phục hồi tích cực. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 phục hồi tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2023 ước tính là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 ước đạt 68,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2023 ước tính là 51,1 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,1% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 17,3 triệu người, chiếm 33,9%; khu vực dịch vụ 20 triệu người, chiếm 39%.

Quý I/2023: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính là 2,25% ảnh 1

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi các quý giai đoạn 2021-2023 (%) (Nguồn: GSO)

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 ước tính là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I năm 2023 là 7,61%, giảm 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 ước tính là 2,25%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2023 là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2023 là 54%, trong đó khu vực thành thị là 45,7% và trong khu vực nông thôn là 60,8% (quý I năm 2022 tương ứng là 56,2%; 48,1%; 62,9%).

Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2023 là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 204 nghìn đồng so với quý trước và tăng 578 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 8,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,3 triệu đồng/tháng.

Trước đó, theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Do đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch hành động của ngành lao động-thương binh và xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP là phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững hiệu quả và hội nhập, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Cụ thể như: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa nhằm tăng khả năng kết nối cung-cầu lao động trên thị trường.

Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động, đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động; điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; có giải pháp phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.