Di sản và du lịch từ tiếp cận nhân học và liên ngành

NDO - Đó là tiêu đề cuộc hội thảo quốc tế do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội với sự tài trợ của Viện Nghiên cứu phát triển IRD trực thuộc Bộ Giáo dục-Nghiên cứu và Bộ Ngoại giao Pháp, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nêu rõ: Đứng trước nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thế giới, phát triển du lịch bền vững và công nghiệp văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó di sản văn hóa chính là nền tảng, nguồn lực, chất liệu quan trọng nhất cần phải được sử dụng, khai thác, phát huy đúng cách.

Điều 88 Luật Di sản văn hóa sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 23/11 nêu rõ, việc “sử dụng, khai thác di sản văn hóa cần bảo đảm các yêu cầu phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế; góp phần phát triển bền vững; và tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Hội thảo quy tụ các nghiên cứu khoa học mới, cập nhật nhất về mối quan hệ giữa di sản và du lịch trong bối cảnh hiện nay, chỉ ra những tác động hai chiều của du lịch và di sản; những động năng của cộng đồng trong ứng phó với những biến đổi từ hoạt động du lịch; và chỉ ra những giải pháp nhằm phát huy di sản bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa với những bài học ở Việt Nam và trên thế giới.

 Di sản và du lịch từ tiếp cận nhân học và liên ngành ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo nhận được 27 báo cáo từ các học giả trong nước và quốc tế, tập trung vào chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề: Xác định những tiếp cận lý thuyết mới, quan điểm lý luận và phương pháp nghiên cứu đương đại về du lịch và di sản; Cập nhật những kết quả nghiên cứu gần đây về tác động của du lịch với cộng đồng tộc người ở địa phương; Những vấn đề đặt ra trong việc sử dụng di sản như là một nguồn lực trong phát triển du lịch; Thảo luận mối quan hệ quyền lực giữa các bên liên quan trong quản lý di sản và phát triển du lịch; Nghiên cứu so sánh sự phát triển du lịch di sản ở Việt Nam với các xu thế ở khu vực và trên thế giới, chỉ ra những xu thế mới trong phát triển du lịch di sản ở Việt Nam và trên thế giới; Những thách thức và các giải pháp trong quản lý di sản nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và quản lý du lịch di sản...

Với tiếp cận nhân học và liên ngành, hội thảo là diễn đàn khoa học quy tụ các nhà khoa học và những người làm chính sách chia sẻ kết quả nghiên cứu mới và thảo luận các vấn đề chính sách liên quan đến di sản và du lịch từ các khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội. Các báo cáo khoa học và tư vấn chính sách có chất lượng khoa học, có ý nghĩa thực tiễn sẽ góp phần phân tích, đánh giá lý giải thấu đáo hơn các vấn đề di sản gắn với du lịch ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

 Di sản và du lịch từ tiếp cận nhân học và liên ngành ảnh 2

Tiến sĩ Emmanuel Panniers - Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp trình bày nghiên cứu về vận động di sản địa phương để phát triển du lịch sinh thái ở miền núi phía bắc Việt Nam.

Hội thảo được chia làm bốn tiểu ban: Di sản và du lịch: Diễn ngôn và thương thảo; Di sản và du lịch: Thiết chế và trao truyền văn hóa; Di sản sống và du lịch: Động năng và vấn đề đạo đức; Di sản tín ngưỡng và du lịch: Sáng tạo truyền thống và hàng hóa.

Các chuyên gia của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Nghiên cứu Ứng dụng văn hóa-Du lịch, Viện Nghiên cứu văn hóa; các diễn giả quốc tế của Viện Nghiên cứu phát triển IRD, Trường đại học British Columbia (Canada), Trường đại học Andalas (Indonesia), Trường đại học James Cook (Australia), Đại học RMIT, Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc) đã trình bày 14 tham luận với những đề tài về vấn đề tiếp cận di sản và du lịch theo góc nhìn nhân học và liên ngành, từ đó gợi mở hướng phát triển du lịch từ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Hội thảo không chỉ là dịp để trao đổi học thuật, mà còn là cơ hội để xây dựng mạng lưới hợp tác chặt chẽ, mở ra những hướng nghiên cứu và ứng dụng mới. Sau hội thảo, những báo cáo có chất lượng tốt sẽ được chọn lọc hướng tới nâng cấp chất lượng để xuất bản trên một số chuyên đề tạp chí chuyên ngành dân tộc học, nhân học.