HÀNH TRÌNH GIẢI MÃ NGHÌN NĂM DI SẢN

Trong số rất lớn những kho tàng vô giá mà mảnh đất rồng bay “địa linh nhân kiệt” ấp ôm trong mình, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa Thế giới duy nhất được UNESCO vinh danh, là nơi “lắng hồn núi sông” suốt dặm dài lịch sử 13 thế kỷ. Bởi thế, đến với Thủ đô là phải ghé thăm Hoàng thành, để bước lên chuyến tàu xuyên không về miền quá khứ và thực hiện hành trình giải mã những chồng lớp vương quyền vàng son bồi tụ nghìn năm.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Thành cổ Hà Nội nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh trong bài | TTBTDS TL-HN.
Khu Thành cổ Hà Nội nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh trong bài | TTBTDS TL-HN.

“Bộ sử chứng minh cho lịch sử Thăng Long bằng hiện vật gốc”

Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (như cách gọi ngắn gọn quen thuộc là Hoàng thành Thăng Long) có diện tích hơn 18 héc-ta, bao gồm Khu Thành cổ Hà Nội và Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Đến với Thành cổ, trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý-Trần-Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn, du khách sẽ có cơ hội được say mê ngắm nhìn bốn con phố bao quanh sở hữu vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn bậc nhất Thủ đô (bao gồm Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ và Hoàng Diệu).

Đến với Hoàng thành hôm nay, du khách được thỏa sức ngắm nhìn những di tích kiến trúc giá trị còn lại như Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội) cùng Đoan Môn; nền Điện Kính Thiên với đôi rồng đá tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp thời Lê Sơ cùng Hậu Lâu; Bắc Môn cùng tường thành trầm mặc rêu phong; các cổng Hành cung cùng di tích cách mạng Nhà và Hầm D67…

Rẽ sang 18 Hoàng Diệu, du khách sẽ bắt gặp khu khảo cổ học đã gói trọn những trang vàng rực rỡ nhất của cả thiên niên kỷ mảnh đất rồng bay. Tính từ tháng 12/2002, cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á trên tổng diện tích 19 nghìn m2 đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp liên tục lên nhau.

Những “dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á” cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỉ VII đến thế kỉ IX), xuyên suốt các triều đại Lý-Trần-Lê-Mạc và Nguyễn (1010-1945).

Theo thông tin từ Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, lang thang khám phá những hố khảo cổ dày đặc nơi đây, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn từ lớp dưới cùng (là hệ thống kiến trúc thuộc thời Tiền Thăng Long, còn gọi là thời An Nam đô hộ phủ hoặc Đại La và nhiều di vật quý cùng đồ gốm sứ có niên đại thế kỉ 7-9) đến lớp trên là dấu vết kiến trúc thời Lý-Trần từ thế kỉ 11-14. Phía trên cùng là lớp kiến trúc thời Lê (thế kỉ 15-18) với dấu tích của các nền xây bằng gạch vồ, hệ thống giếng nước, đặc biệt là các loại ngói trang trí rồng 5 móng chuyên dùng để lợp trên mái cung điện và các loại đồ sứ ngự dụng dành riêng cho nhà vua…

Dịp Thăng Long - Hà Nội tưng bừng chào đón tuổi 1.000, viên ngọc quý giá này đã chính thức được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa Thế giới, trở thành tài sản chung của cả nhân loại khi hội tụ ba tiêu chí nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa xuyên suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích-di vật đa dạng, phong phú, sinh động, chồng xếp lên nhau một cách khá liên tục qua các thời kỳ lịch sử, phản ánh trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn và lâu đời nhất Việt Nam.

Như lời khẳng định của Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova trong lễ trao bằng chứng nhận: “Rất ít quốc gia trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn về điều này. Kể từ nay, các bạn có trách nhiệm với cả nhân loại trong nỗ lực quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ tương lai”. Có thể nói, khu di tích này chính là “bộ sử chứng minh cho lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến bằng hiện vật gốc, khách quan và sinh động” - như lời đánh giá của tác giả Lưu Minh Trị trong cuốn Hà Nội danh thắng và di tích.

HÀNH TRÌNH GIẢI MÃ NGHÌN NĂM DI SẢN ảnh 1

Bắc Môn đầy hoài niệm giữa dòng chảy nghìn năm lịch sử thăng trầm..

Để di sản trường tồn và tỏa sáng

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Đặc biệt, các điểm sáng được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới như Hoàng thành Thăng Long sẽ là những nguồn tài nguyên du lịch gây ấn tượng mạnh và độc đáo đối với du khách, góp phần gia tăng giá trị của điểm đến.

Thế nhưng, đặt trong tương quan với 7 di sản văn hóa-thiên nhiên còn lại của Việt Nam, điểm đến giàu tiềm năng này vẫn xếp ở vị trí khá khiêm tốn, cả ở số lượt ghé thăm lẫn doanh thu từ du khách trong và ngoài nước. Đáng chú ý là lượng khách quay trở lại lần hai không nhiều, thời gian tham quan chỉ ở mức tối thiểu 1,5-2 giờ cho thấy các hoạt động trải nghiệm cùng dịch vụ đi kèm còn khá hạn chế.

Theo số liệu mà Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cung cấp thì lượng khách đến với Hoàng thành trong giai đoạn 2015-2019 giữ mức tăng bình quân 30% mỗi năm, năm 2019 đạt 517 nghìn lượt. Tỷ lệ khách quốc tế khá ấn tượng, với 45,2% vào năm 2018 và 57% vào năm 2019. Năm 2023, lượng khách đã vượt qua thời điểm trước đại dịch và Trung tâm đang kỳ vọng vào con số 1 triệu du khách ghé thăm, khi năm 2024 khép lại. Hiện tại, Hoàng thành đón tiếp trung bình mỗi ngày từ 1.500-2.000 du khách, dịp cao điểm có thể đạt 8-10 nghìn người.

Lý giải nguyên nhân khiến hiệu quả kinh tế thu được chưa tương xứng với tiềm năng, bà Hồng Chi cho biết, dù trở thành Di sản thế giới từ năm 2010 nhưng phải tới năm 2015, Hoàng thành mới mở cửa đón khách, với mức độ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản ban đầu rất khiêm tốn. Mức thu phí 30 nghìn đồng/người được áp dụng từ năm đầu tiên, chỉ mới tăng lên 70 nghìn đồng từ đầu năm 2024 và 100 nghìn đồng từ đầu năm 2025 tới. Với một di tích chứa đựng giá trị toàn cầu tầm cỡ Hoàng thành, mức lệ phí tham quan này là khá thấp, chỉ tương đương từ 1-4 USD.

Từ góc nhìn chủ quan của người trong cuộc, Phó Giám đốc Nguyễn Hồng Chi phân tích, việc chưa xác định được các nhóm khách chính trong từng giai đoạn, chưa có chiến lược thu hút khách với riêng từng thị trường, hoạt động trưng bày theo các chủ đề chưa thật sự đặc sắc, dịch vụ hỗ trợ chưa chuyên nghiệp và bài bản… là một số nguyên do chính khiến hiệu quả hoạt động chưa được như kỳ vọng. Nhưng bên cạnh những tồn tại cần thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, cũng cần ghi nhận nỗ lực sáng tạo rất lớn từ đội ngũ những người đang ngày đêm đau đáu cùng hành trình bảo tồn và phát huy tối đa giá trị di sản.

Vài năm trở lại đây, nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn giúp du khách có thể đến gần-chạm vào-hóa thân để từ đó hiểu thêm những giá trị lịch sử của Hoàng thành đã liên tục ra đời và nhận được phản hồi rất tích cực từ công chúng yêu di sản.

Có thể kể tới tour Chạm vào quá khứ nhấn vào các điểm tham quan như Đoan Môn, Nhà D67 và hai căn hầm bí mật của Tổng hành dinh kết hợp hoạt động dâng hương trước thềm Điện Kính Thiên để tưởng nhớ 52 vị tiên đế, trải nghiệm nước giếng cổ Hoàng cung…Hay Tour đêm Hoàng thành Thăng Long mỗi dịp cuối tuần, nơi du khách có cơ hội ngắm nhìn khu di tích lung linh, huyền ảo dưới màn đêm, chụp ảnh cùng các cung nữ, lính canh trong trang phục cổ xưa, tham gia trò chơi bằng thẻ giải mã cùng màn trình diễn laze bật mí ấn tượng, được ngồi thưởng thức trà sen-mứt sen ngay dưới tán cây bồ đề cổ thụ…

Hành trình kết nối các điểm đến hấp dẫn của Thủ đô với khu di tích cũng đã manh nha khởi động. Sản phẩm du lịch xanh bằng phương tiện xe điện nối hồ Gươm với Hoàng thành đã “thu được kết quả rất khả quan”. Việc biến khu trung tâm di sản thành một điểm phải đến trên hành trình city tour cũng đã giúp du khách có được một hình dung tổng thể, từ đó gợi mở những lát cắt thu hút họ trở lại giải mã trong lần sau. Và ý tưởng kết hợp cùng Tổng công ty Du lịch Hà Nội để xây dựng lộ trình khám phá Văn Miếu - Hoàng thành - Lăng Bác - Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã được bàn thảo kỹ càng.

HÀNH TRÌNH GIẢI MÃ NGHÌN NĂM DI SẢN ảnh 2

Du khách tham dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các vị Tiên Đế trước thềm Điện Kính Thiên.

Hơn ai hết, Hà Nội hiểu rất rõ giá trị vô giá của viên ngọc quý di sản may mắn được sở hữu. Và Hà Nội đang nỗ lực hết sức mình, để viên ngọc ấy trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hữu hiệu, trên lộ trình định vị thương hiệu công nghiệp văn hóa Thủ đô.