Bàng bạc những sắc màu hoài cổ
Làng quốc tế Thăng Long, căn hộ nằm trên tầng 14 của một tòa nhà có kiến trúc độc đáo - hình tròn. Không gian đậm màu xưa cũ, trong từng món đồ nội thất như tủ thờ khảm trai, trường kỷ, bàn ghế, giá sách… Màu thời gian, màu hoài cổ cứ phảng phất đâu đó trên nước sơn đen bóng, trong từng chi tiết cùng đường nét chạm khắc, uốn lượn giản đơn nhưng tinh tế. Ông bảo, toàn đồ cổ 100% đấy, không phải thứ làm giả sản xuất hàng loạt bây giờ đâu.
Chủ nhân vốn là dân Tây học, phong thái làm việc năng động, trang phục bề ngoài quá ư hiện đại và trẻ trung so với độ tuổi bát thập. Nhưng ông và căn nhà đã hòa quyện tuyệt đối với nhau, để tạo nên một bức tranh tổng thể bất phân ranh giới - giữa quen và lạ, giữa cũ và mới.
GS,TS, KTS Hoàng Ðạo Kính - Nguồn NVCC.. |
Những bức tranh màu nước treo rải rác đây đó trên tường. Với KTS Hoàng Đạo Kính, hội họa là niềm đam mê đã song hành cùng ông từ nhiều năm về trước. Ở thập niên 80, tác phẩm của ông từng được trưng bày tại Bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương (Warsaw, Ba Lan). Ông chia sẻ, “vẽ là nhu cầu không thể chối bỏ, vẽ là thiền. Suốt đời tôi, đi đâu, đến đâu cũng là tìm kiếm, nhìn ngắm, cũng nhận ra bóng hình dĩ vãng của cha ông. Nhìn vạn vật, nhìn chung quanh đâu đâu cũng chan hòa sắc màu, ngập tràn trong ánh sáng và tình đời”.
Xem tranh Hoàng Đạo Kính, có thể cảm nhận rất rõ sự tinh tế, nhẹ nhàng trong kỹ thuật sử dụng màu nước, trong cách loang màu, vờn màu khiến ta cảm giác rất rõ, rằng mọi vẻ đẹp quý giá trong đời này đều mong manh, hư ảo. Và tông màu chủ đạo trong tranh thường nhạt nhòa, u uẩn một khoảng trống vắng vô hình khó có thể diễn đạt thành lời.
Cổng làng và mái đình, cây đa và giếng nước, ngôi tháp Chăm khoe vẻ đẹp trường tồn trong ráng đỏ hoàng hôn hay bình hoa phô bày vẻ lộng lẫy ngay cả khi đã úa tàn. Những vẻ đẹp xưa cũ ấy vẫn lặng lẽ hiện hữu đâu đó, nhưng nếu ta không biết nâng niu, gìn giữ đúng cách thì cũng có thể vĩnh viễn biến mất. Xem tranh Hoàng Đạo Kính sẽ hiểu tại sao trái tim ông, con người ông lại thường trực nỗi day dứt, lo toan cho di sản đến vậy.
Một tác phẩm hội họa của KTS Hoàng Đạo Kính. Nguồn: NVCC. |
Nặng trĩu trách nhiệm với quá khứ - hiện tại và mai sau
“Tôi xa đất nước từ ngày còn nhỏ. Là một trong trăm hạt giống đỏ được Bác Hồ gửi đi đào tạo ở nước Nga Xô Viết, tôi may mắn được thụ hưởng một nền giáo dục hàn lâm và vô cùng thuần khiết. Đắm chìm với những áng văn, câu thơ tuyệt tác, những bản giao hưởng đồ sộ, trong tôi luôn man mác niềm hoài nhớ một nước Nga trầm sâu, xưa cũ, một nền tảng tinh thần thâm căn cố đế tự ngàn xưa. Chính ở đó, tôi đã linh cảm về một tình yêu Tổ quốc cùng truyền thống cha ông không thể nói thành lời”.
Chất hoài cổ đậm đặc trong dòng máu nhà Nho cộng với tư duy khoa học của nền giáo dục Nga đã tạo nên một KTS mang cái nhìn đặc biệt về những di sản ông cha để lại. Hoàng Đạo Kính nhìn những báu vật vô giá ấy như những nguyên thể sống. Ông bảo, nghề “làm di sản” rất hàn lâm và chỉ tồn tại khi đời sống vật chất cũng như tinh thần khá phong lưu. Người làm nghề cần biết hoài cổ, cần am hiểu, biết sang trọng, lịch duyệt và có tâm. Nghèo nàn, xô bồ, lại chỉ nghĩ tới miếng ăn, tới cái lợi nhỏ bé trước mắt thì khó lòng làm được cái gì tử tế.
Cậu bé 15 tuổi Hoàng Đạo Kính, những ngày học tập tại nước Nga Xô viết. Nguồn: NVCC. |
Là người đầu tiên được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn, Hoàng Đạo Kính cũng là kiến trúc sư đầu tiên tham gia vào công tác giữ gìn di sản vô giá mà cha ông để lại. Ông cũng là nghiên cứu sinh đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đi vào chuyên môn hóa công việc vốn rất đỗi mới mẻ ở Việt Nam này.
Tựa vào nền móng khoa học vững chắc ấy, ông “đứng mũi chịu sào” nhận công việc trùng tu đình Tây Đằng, trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn của những năm cuối thập kỷ 70, khi quan điểm trùng tu di tích kiến trúc gỗ ở nước ta còn chưa kịp hình thành. Tình yêu di sản đã khiến trong con mắt ông, “những thân cột, những xà, những đầu dư, kẻ, bẩy đình Tây Đằng tồn tại đến hôm nay như một sự kỳ diệu, vượt qua các cửa ải sinh tử. Vượt qua hết thảy để tồn tại, tự vắt kiệt mọi nhựa sống, chỉ giữ lại cái lõi, cái cốt. Những khúc gỗ, mảnh gỗ vô giác ấy bảo lưu cả một kho tàng sáng tạo, một kho tàng tình người và khát vọng”.
Cũng chính ông đã nhìn thấu ngôi đình “thuộc hàng cổ xưa nhất nước ấy” trong hình hài “nguồn cội bạc phơ”. Để tự dặn mình, “ai được giao sứ mệnh gìn giữ di sản bạc phơ này, hãy nâng niu và chữa chạy, còn nước còn tát. Giữ gìn thật nguyên vẹn, hệt vật báu vật thiêng. Bất đắc dĩ mới xê xích, thay thế”. Để nguyện một lòng với các vị tiên tổ, “giữ lại những tinh hoa của di sản không chỉ bằng sự đầu tư tiền của và công sức, mà bằng cả sự chăm sóc ân cần và cặn kẽ thường nhật”.
Toàn cảnh ngôi đình Tây Đằng. Nguồn TC Kiến trúc. |
Sau ngôi đình nổi tiếng ở huyện Ba Vì, danh sách những công trình được in đậm dấu ấn bảo tồn, trùng tu “khiêm tốn, dè dặt và ân cần” của ông cứ ngày một dài ra. Từ các ngôi chùa Kim Liên - Bút Tháp - Tây Phương đến hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An; từ làng cổ Phước Tích đến quần thể kiến trúc cung đình Huế, Nhà hát Lớn Hà Nội…, tất cả đều đạt tới tiêu chí “làm cho di tích khỏe lên, vững chãi hơn, sống lâu hơn nhưng không trẻ ra, không làm thay đổi đặc trưng kiến trúc”.
Một đời song hành cùng di sản giúp ông đúc kết được những nguyên tắc vàng đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ kế cận. Rằng “những ai làm phận sự tu bổ bảo tồn đều nên nhận rõ mình là những bác sĩ của di tích, ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, can thiệp nhỏ hơn can thiệp lớn, củng cố tăng tuổi thọ cho di tích chứ không làm cái việc cải lão hoàn đồng”. Rằng “duy trì nguyên vẹn là việc cực kỳ khó khăn, làm biến dạng và biến mất di tích lại dễ hơn rất nhiều. Sự nghiệp bảo tồn di sản luôn nặng trĩu trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và mai sau”.
Gắn bó với Hà Nội bằng tình yêu máu thịt
Vốn sinh ra và được nuôi dạy trong một gia đình giàu truyền thống Nho học, ông tự hào giới thiệu từng thành viên gia đình, trong những tấm hình trang trọng đặt trên ban thờ. “Đây là ông nội tôi - nhà Nho yêu nước, chí sĩ trong phong trào Duy Tân Hoàng Đạo Thành. Kia là bố tôi - nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Kế đó là GS Tạ Quang Bửu - người anh rể mà tôi vô cùng yêu quý. Cũng phải kể tới chị gái của bố tôi - nữ sĩ Hoàng Thị Uyển (cụ Cả Mọc), Hội trưởng Hội tế sinh Bắc Việt. Rồi bà Hoàng Thị Minh Hồ - con gái bác tôi, thương gia nổi tiếng Hoàng Đạo Phương và cũng là phu nhân của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô”.
“Quê nội tôi trên đất Hà Đông cũ, tên Nôm - Lủ, tên chữ Kim Lũ, nay là Đại Kim” - ông tâm sự. Hà Nội là nơi ông sinh ra. Hà Nội cũng là nơi vinh danh ông nội, bố đẻ cùng anh rể ông, bằng cách lấy tên họ đặt cho phố, cho đường.
Chỉ bằng tình cảm gắn bó với mảnh đất rồng bay, ông mới có thể tìm ra phương án tạo các mái che cho 82 tấm bia tiến sĩ, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền, vừa ăn nhập về tỷ lệ xích vừa tương thích với diện mạo lịch sử nghìn năm của không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Chỉ bằng niềm đam mê những di sản kiến trúc Pháp, ông mới có thể tìm ra giải pháp đặt hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vào không gia Nhà hát Lớn nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản từ ngoài vào trong.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) và KTS Hoàng Đạo Kính (phải) tại công trình tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu chụp năm 1995. |
Và chỉ bởi nỗi niềm đau đáu cho sự trường tồn của di sản, ông đã dành nhiều tâm sức gửi gắm những nghĩ suy, chiêm nghiệm đúc kết từ nửa thế kỷ làm nghề, bằng một giọng văn rất riêng vào rất nhiều bài báo cùng dăm đầu sách giá trị (Kiến trúc các nước Đông Dương, Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu, Ngõ phố người đời, Văn hóa kiến trúc). Nói như KTS Nguyễn Luận, “Ông giải nghĩa các vấn đề rất ngắn gọn, với một triết luận rất rõ ràng. Từ thói quen trở thành tập quán, từ tập quán chiết ra truyền thống. Nhưng giải nghĩa ngắn gọn và cô đúc ấy cần một kiến thức nền dày và chắc, một chất men văn hóa say quyện và lan tỏa… Cái duyên của câu văn, độ ngấm của tư duy, hóm hỉnh trong nhận xét, tinh tế trong cảm nhận hiện tượng thể hiện qua ngôn ngữ chừng mực, trong nhả chữ ghép từ”.
Không dừng lại ở vai trò một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn, trong con mắt tôi - KTS Hoàng Đạo Kính còn là một nhà văn hóa lớn. Và cũng không thể thiếu vắng danh xưng “hiệp sĩ của các di sản kiến trúc” - dĩ nhiên rồi!
Mái che cho 82 tấm bia tiến sĩ, vừa ăn nhập về tỷ lệ xích vừa tương thích với diện mạo lịch sử nghìn năm của không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh HUYỀN NGA. |
Đúng vào dịp Hà Nội hân hoan kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Giải thưởng Lớn Vì tình yêu Hà Nội đã được Ban tổ chức Giải Bùi Xuân Phái trân trọng trao tặng GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính, “vì đã nối tiếp truyền thống quý báu của gia đình, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội, được mệnh danh là Hiệp sĩ của các di sản kiến trúc”.