Trong 5 năm qua (2014 - 2019), thành phố đã chú trọng đầu tư cho KH và CN, nhờ vậy, đã có nhiều chuyển biến trong cơ chế, chính sách. Để đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn, TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch thực hiện.
Thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính đã được tháo gỡ nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Từ năm 2014 đến năm 2019, TP Ðà Nẵng đã ban hành 15 văn bản liên quan đến KH và CN, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động KH và CN.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, tài chính cho KH và CN đổi mới, tăng dần qua các năm. Năm 2014, kinh phí sự nghiệp cho KH và CN là 19,5 tỷ đồng, đến năm 2019 là 43 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào khu công nghệ cao và các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao... Thành phố hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ nghiên cứu, chi phí đăng ký văn bằng sáng chế, đổi mới công nghệ và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thí dụ, hỗ trợ 70% kinh phí chuyển giao công nghệ, ươm tạo công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị có hàm lượng công nghệ mới, hỗ trợ 30% kinh phí mua mới thiết bị công nghệ…
Ðến nay, đã có 166 nhiệm vụ KH và CN các cấp được triển khai ở nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp nông thôn, khoa học kỹ thuật, khoa học y dược, khoa học tự nhiên, xã hội. Ðồng thời, đã chuyển giao 54 quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã. Thành phố cũng đã hỗ trợ 47 lượt doanh nghiệp với gần 5 tỷ đồng để thực hiện đổi mới công nghệ, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Tuy nhiên, hoạt động KH và CN của Ðà Nẵng chưa có sự kết nối hiệu quả giữa nhà khoa học và doanh nghiệp; các nghiên cứu khoa học chưa sát thực tiễn. Việc kết nối cung, cầu trong nghiên cứu KH và CN chưa hình thành mô hình kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ sở đào tạo. Các trường đại học thực hiện nhiều nghiên cứu, nhưng chủ yếu tập trung nghiên cứu cơ bản, ít nghiên cứu ứng dụng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương. Trong hàng trăm đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học có rất ít đề tài có tính khả thi. PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Ðại học Ðà Nẵng cho biết: Hiện nay, việc xét chọn đề tài nghiên cứu khoa học chủ yếu do nhà khoa học đề xuất đề tài, chứ chưa dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, cho nên khi nghiên cứu xong, tính ứng dụng thực tiễn của đề tài chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP Ðà Nẵng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cho nên việc tiếp cận kết quả nghiên cứu KH và CN gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, để doanh nghiệp đặt hàng thông qua trung tâm, từ đó, kết nối đến các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Phó Giám đốc Sở KH và CN Ðà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện các nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH và CN; kết nối nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp và chính quyền để tăng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. TP Ðà Nẵng cũng sẽ xây dựng các chương trình KH và CN cho lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để phù hợp định hướng phát triển thành phố thông minh, chính quyền điện tử.
Nhằm phát triển hệ thống doanh nghiệp KH và CN, Sở KH và CN Ðà Nẵng cũng đã xây dựng Kế hoạch hình thành và phát triển doanh nghiệp KH và CN, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019, có từ tám đến 10 doanh nghiệp KH và CN, đến hết năm 2020, có từ 10 đến 15 doanh nghiệp KH và CN. Sở KH và CN Ðà Nẵng đã đề ra các giải pháp để thực hiện kế hoạch, như: Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH và CN, phát triển thị trường KH và CN; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, giải mã công nghệ tại các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nguồn từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp KH và CN đủ điều kiện để ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu và các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH và CN.