Để người lao động yên tâm làm việc

Mặc dù đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh bị giảm từ giữa tháng 6/2022 đến nay nhưng nhiều đơn vị vẫn tìm cách bảo đảm đời sống người lao động, giúp họ yên tâm ở lại làm việc...
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico) trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico) trong giờ làm việc.

Hơn một tháng nay, chị Võ Thị Bé Trâm, 42 tuổi, công nhân may tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) chỉ làm việc theo giờ hành chính, không còn tăng ca. Chị Trâm cho hay: “Trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi nghỉ luân phiên vì đơn hàng sụt giảm. Không còn tăng ca, thu nhập mỗi tháng của tôi chỉ tầm 5 triệu đồng, phải tằn tiện lắm mới đủ tiền nhà trọ, ăn uống, xăng xe đi lại…”.

Cũng lâm vào khó khăn khi đơn hàng giảm, chị Trần Thị Kim, 36 tuổi, quê An Giang, phải dùng đến số tiền tiết kiệm lâu nay để chi tiêu trong gia đình. Chị Kim đang làm công nhân tại một công ty nhựa tại quận 6. “Đơn hàng chững lại nên thu nhập của công nhân cũng giảm theo. Nhiều bạn bè của tôi ở những công ty khác cũng chung cảnh ngộ”, chị Kim nói.

Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico) tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) Huỳnh Khôi Bình cho biết, đơn hàng hiện nay chỉ được duy trì đến cuối tháng 9 tới. Khi dịch bệnh phức tạp, công ty phải thực hiện “3 tại chỗ” nhưng tình hình kinh doanh lại rất tốt. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, việc sản xuất chậm hẳn. Đây là điều rất bất ngờ mà Arico không lường trước được sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Arico có khoảng 150 lao động, đa số đều là lao động lành nghề. Theo ông Bình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nên việc tuyển dụng lao động khá khó khăn, lao động tay nghề cao càng khan hiếm. Do vậy, công ty luôn cố gắng tìm cách giữ lao động dù trong hoàn cảnh nào.

“Đặc thù của Arico là vừa sản xuất, vừa thi công lắp đặt nên chúng tôi linh động luân chuyển lao động. Khi trong xưởng hết việc hoặc giảm việc thì mình sẽ chuyển công nhân ở bộ phận sản xuất sang bộ phận thi công, lắp đặt. Nhờ đó, công ty vẫn tạo được việc làm cho công nhân”, ông Bình nói.

Với mức lương công nhân bình quân từ 11-15 triệu đồng mỗi tháng, ông Bình thừa nhận khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài để giữ chân lao động giỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cách đối xử, tôn trọng con người. Chính cách đối xử, ứng xử của doanh nghiệp là sợi dây gắn kết với người lao động để họ luôn cảm thấy vui vẻ và xem doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai chứ không chỉ có lương cao mới giữ được họ. Arico luôn chú trọng nâng cao dinh dưỡng khẩu phần ăn, ngoài bữa chính còn có thêm sữa, cà-phê… phục vụ miễn phí cho công nhân.

Giám đốc Công ty TNHH Gia Thịnh (thành phố Thủ Đức) Vũ Thị Giang cho hay, doanh nghiệp chuyên gia công quần áo thời trang cho đối tác để xuất sang thị trường châu Âu. Từ tháng 5/2022, lượng đơn hàng của công ty đã giảm khoảng 30% và có thể kéo dài đến tháng 9 tới. Do đó, công ty đã bố trí, sắp xếp lại nhân sự làm hai ca (ca 1 và ca 3, không bố trí ca 2) và mỗi ca làm 12 giờ.

Tùy tình hình đơn hàng mà số lượng công nhân sẽ được bố trí khác nhau. Trong tháng 9, lao động có thể sẽ nghỉ luân phiên nhưng vẫn được công ty trả đủ lương tối thiểu vùng. “Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp tạm thời không phải cắt giảm lao động. Phương án ban đầu là cắt giảm lao động nhưng chúng tôi vẫn giữ lại chờ đơn hàng phục hồi. Để có tiền trả lương cho công nhân, chúng tôi phải vay mượn nhiều nơi, đồng thời kết nối thông tin nhiều phía để có thêm đơn hàng”, bà Giang cho hay.

Công ty cổ phần Dệt may-đầu tư-thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) đã tăng lương và thêm các khoản phụ cấp. Cụ thể, từ đầu tháng 7/2022, công ty tăng 6% lương cơ bản cho tất cả công nhân, tiền xăng được nâng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/ngày, giá suất ăn điều chỉnh cao hơn 12%. Công ty cũng tổ chức hội nghị người lao động nói rõ khó khăn để người lao động chia sẻ, đồng thời cam kết thời gian phục hồi.

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương thông tin, hiện nay ngành gỗ đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng khiến một số nhà máy phải giảm công suất, giảm số ngày làm việc. Hội kiến nghị hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Trưởng Văn phòng đại diện Vitas tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, từ quý II/2022, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng. Đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong ngành nhận rất nhiều đơn hàng nhưng thiếu lao động, phải tìm chỗ gia công bớt.

Sang quý II, ảnh hưởng chiến sự Nga-Ukraine, giá xăng dầu tăng, dịch bệnh tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân nhiều nước khiến sức mua quần áo, đồ thời trang giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng không ký kết hợp đồng mới, doanh nghiệp rất khó khăn. Một số nhà máy không có đơn hàng buộc phải tính toán phương án cho công nhân nghỉ ngày thứ bảy, nghỉ phép. Vitas đang thống kê để có hướng hỗ trợ về sản xuất, đầu ra, trong đó tập trung vào doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm nhiều, tác động lớn tới công nhân.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho rằng, tình trạng các doanh nghiệp thiếu, giảm đơn hàng đã tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động. Lúc này, doanh nghiệp cần thương lượng, tổ chức các buổi đối thoại để hài hòa lợi ích đôi bên, nhất là bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như ổn định quan hệ lao động. Cùng với đó, thông báo tình hình sản xuất để người lao động biết, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian này nhằm cùng vượt qua, duy trì sản xuất ổn định...