Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế

NDO - Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chững lại do đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 chỉ 0,11%. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại trong khi nền kinh tế Việt Nam hiện không chịu bất kỳ cú sốc nào. 
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế tư nhân phải thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam
Kinh tế tư nhân phải thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2, với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế” do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các đại biểu là lãnh đạo đại diện cho các bộ, ngành, cơ quan; các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu cùng 200 doanh nhân tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Theo đó, diễn đàn kinh tế tư nhân đang hướng tới trở thành sự kiện thường kỳ để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia kinh tế trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, đánh giá kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế.

Từ đó, đóng góp ý kiến trách nhiệm với Đảng, Nhà nước để ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như lan tỏa cảm hứng, tinh thần trách nhiệm, khát vọng đổi mới, kiến tạo, kết nối đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, Đảng ta đã xác định hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế toàn cầu đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường, khó dự báo, cộng với những tồn tại của nền kinh tế,… đang tạo ra "lực cản" với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với công nghệ 4.0, công nghệ số và những tiến bộ đột phá về khoa học công nghệ đang làm cho cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng, đi cùng với đó là dịch bệnh, chính trị thế giới đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường… Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho hoạt động kinh tế tư nhân nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung.

Theo Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh, trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hiện nay mới chỉ đạt khoảng 800 nghìn doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quý I năm nay, có một thống kê đáng lo ngại khi cả nước có khoảng 60 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57 nghìn doanh nghiệp được thành lập.

Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp "biến mất" lớn hơn số doanh nghiệp thành lập, nên mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Trong 2 năm tới, mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp càng khó khăn hơn và dường như còn thiếu thực tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, không phân biệt đối xử giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân nhằm tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế ảnh 2

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh.

Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp "biến mất" lớn hơn số doanh nghiệp thành lập, nên mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Trong 2 năm tới, mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp càng khó khăn hơn và dường như còn thiếu thực tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, không phân biệt đối xử giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân nhằm tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp.

TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho rằng, tiếp cận nguồn vốn đang là một trong những vấn đề lớn được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Nó đã trở thành một trong những nội dung quan trọng, mang tính thời sự, quyết định đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.

Đây được xem là kênh thiết thực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp luôn xác định “tiền là máu, nếu doanh nghiệp thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu” đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu vốn sẽ kéo lùi sự tăng trưởng, thậm chí dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Trên thực tiễn, vẫn còn tồn tại không ít những rào cản, khó khăn, vướng mắc như: thủ tục giấy tờ hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán; sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu thống nhất khiến các doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình tiếp cận. Điều đó, đặt ra yêu cầu về những giải pháp giúp doanh nghiệp vừa tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh chóng, vừa an toàn và hiệu quả trong thời gian tới.

Để duy trì và phát triển, bên cạnh việc chủ động kết nối các nguồn vốn, đề nghị ngành ngân hàng kịp thời có hướng giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận được các nguồn vốn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế ảnh 3

Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Để duy trì và phát triển, bên cạnh việc chủ động kết nối các nguồn vốn, đề nghị ngành ngân hàng kịp thời có hướng giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận được các nguồn vốn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro.

Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, muốn kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ đã khẳng định, phải phát triển kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60-70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tỷ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế tư nhân để đến năm 2025 đạt khoảng 55% và đạt khoảng 60-65% GDP vào năm 2030. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm có khoảng 35-40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.