Chân dung nền kinh tế đang thay đổi
Trong các cuộc thảo luận trên nghị trường của kỳ họp Quốc hội khóa XV mới đây, rất nhiều lần câu hỏi về việc khu vực kinh tế tư nhân ở đâu trong kịch bản phát triển Việt Nam 5 năm, 10 năm tới được đặt ra. Lý do không phải sự “vắng bóng” của khu vực kinh tế này mà là họ đang đóng vai trò động lực tăng trưởng, nhưng lại thiếu cơ chế để thực hiện.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Cứ mỗi lần nền kinh tế khủng hoảng, khó khăn, cần xoay chuyển tình thế, doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, sẵn sàng gánh vác những trọng trách và tạo sức mạnh để lật ngược thế cờ”. Ông Thiên chia sẻ, nhận định này khi soi chiếu vào các đợt khủng hoảng kinh tế, những năm 1986, 1999-2000, 2007-2008.
Cả ở giai đoạn hiện tại, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Thiên tiếp tục nhìn thấy “nét vẽ lớn trong nền kinh tế” do khu vực tư nhân thể hiện, từ việc tham gia vào phòng, chống dịch, đến đi đầu trong chuyển đổi số, trong thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất, trong phát triển công nghệ, hạ tầng, đô thị... và còn nhiều hơn thế.
Theo ông, chính sự lựa chọn này đã làm thay đổi sự hiện diện của không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Vì Việt Nam đang hội nhập chứ không chỉ mở cửa với thế giới. Đòi hỏi của nền kinh tế là luyện nội lực để hít thở chung bầu không khí hội nhập, không phải là đứng ngoài, phòng thủ.
"Lâu nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn tự xác định vai trò của mình, dù cơ chế kém thuận lợi. Nhưng hiện tại, Chính phủ cần có tư duy khác. Nền kinh tế đang có một lực lượng doanh nghiệp Việt thực sự mạnh, những tập đoàn tư nhân lớn. Đây sẽ là trục dẫn thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam kết nối với thị trường thế giới", ông Thiên khuyến nghị.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng.
Nhìn vào những phép thử
Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, không thiếu những “phép thử” được đặt ra cần sử dụng toàn bộ nguồn lực sẵn có để hóa giải. Chẳng hạn, với sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) xuất hiện và kéo dài trong một khoảng thời gian, cho tới khi FPT bàn giao hệ thống mới vào ngày 5/7/2021. Việc hệ thống mới vận hành trơn tru, ổn định, có khả năng chịu tải vượt xa ngưỡng giao dịch hiện tại và mở rộng để đáp ứng nhu cầu tương lai không chỉ giúp giải tỏa tâm lý của giới đầu tư, làm thảo mãn các thành viên thị trường tài chính mà còn khơi thông một trong những huyết mạch kinh tế quan trọng.
Trong khi đó, với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, đây là dấu ấn đặc biệt, mở ra không gian mới mẻ cho không chỉ FPT mà cả cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Tháng 3/2021, tại cuộc “Đối thoại 2045”, giữa Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2026-2020 Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nhân, trí thức, ông Bình đã đưa FPT vào “phép thử 100 ngày” khi trực tiếp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép FPT và các doanh nghiệp tư nhân giải bài toán quá tải hệ thống của HoSE.
Khi đó, lý giải đề xuất, ông Bình nói thị trường chứng khoán được xem như “phong vũ biểu” của nền kinh tế. Bài toán kỹ thuật của HoSE không chỉ là nỗi bức xúc của nhà đầu tư, công ty chứng khoán, hay câu chuyện ách tắc dòng chảy vốn… mà còn ảnh hưởng bộ mặt quốc gia, làm giảm sút uy tín của Việt Nam đối với các tổ chức/nhà đầu tư toàn cầu.
Hơn nữa, đây là bài toán khó. Có 3 điểm cốt yếu nhất của bài toán này. Một là phải nâng ngưỡng chịu đựng của hệ thống từ con số 900.000 lệnh/ngày lên gấp hơn 3 lần, tương đương khoảng 3-5 triệu lệnh, nhưng đây cũng không phải là ngưỡng cuối cùng, phải sẵn sàng mọi kịch bản cho khả năng vượt ngưỡng. Hai là phải kết nối, liên kết được với tất cả các hệ thống hiện có của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Và ba là không được “chọc” vào hệ thống hiện có của các công ty chứng khoán.
“Mọi quyết định đều có tính toán kỹ lưỡng, thận trọng. Và chúng tôi đã chứng minh làm được khi khai trương hệ thống đúng như cam kết và giải quyết được cả 3 vấn đề trọng yếu trên”, ông Bình chia sẻ.
Việc xử lý sự cố sàn HoSE chỉ là một trong những phép thử của nền kinh tế trong bối cảnh mới, nhưng từ đó có thể nhận thấy, các doanh nghiệp tư nhân có tâm thế sẵn sàng gánh vác và năng lực của con người, của doanh nghiệp Việt luôn là điểm tựa đáng tin cậy.
Cơ hội của khu vực tư nhân
Trở lại cuộc Đối thoại 2045 vào đầu năm, nhiều doanh nghiệp tư nhân hôm đó, như Sovico, VinGroup, FPT, Masan, THACO… đã nhắc rất nhiều đến khát vọng Việt Nam thịnh vượng. Câu hỏi Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 12,5 đến 13%/năm như một số nước đã từng đạt được không cũng được các doanh nghiệp đặt lên bàn thảo luận.
Khi đó, ông Bình đã nói, cộng đồng doanh nghiệp muốn chung tay thực hiện khát vọng dân tộc. Các doanh nghiệp sẵn sàng cống hiến, một số có khả năng duy trì tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tốc độ 20 đến 30%/năm.
“Chúng ta có khát vọng lớn, nhưng để thực hiện, điều kiện cần là niềm tin của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ làm ra chính sách và việc lớn, còn việc cụ thể để doanh nghiệp làm. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, trở thành bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng”, ông Bình đã gửi tới người đứng đầu Chính phủ tâm tư của nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Có lẽ đây cũng là điều mà các đại biểu Quốc hội như bà Lan muốn nghe. Vì trong bài phát biểu tại Quốc hội, bà nhìn thấy rõ vai trò của nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế 10 năm và nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án động lực.
Dẫn ngay câu chuyện tại địa phương, bà Lan cho biết, sự thay đổi mạnh mẽ của Quảng Ninh trong thời gian qua phần lớn nhờ phát huy tối đa nguồn lực đầu tư theo hình thức công - tư. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ khó có thể thực hiện với tốc độ nhanh, ví dụ việc thực hiện dự án giao thông cảng biển. Nhưng bà Lan băn khoăn, cơ chế hiện tại vẫn chưa thực sự phù hợp, thiếu sự thông thoáng để các nhà đầu tư tin tưởng và bắt tay thực hiện các dự án lớn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ còn đang kỳ vọng về các cơ chế nhà nước đặt hàng doanh nghiệp tư nhân trong thúc đẩy các dự án đầu tư công, thúc đẩy các bài toán kinh tế của đất nước. Khi đó, các doanh nghiệp tư nhân mới thực sự có dư địa để lớn hơn, mạnh hơn...
“Các quốc gia Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện rất tốt cơ chế này, nhờ vậy họ có một lực lượng doanh nghiệp nội địa mạnh mẽ. Đây là điều chúng ta phải xác định rõ và đang có cơ hội để thay đổi, nhất là trong bối cảnh... bình thường mới”, ông Kiên khuyến nghị.
Khái niệm “bình thường mới” ở đây không chỉ là các vấn đề từ Covid-19 mà bao gồm cả sự khởi sắc của khởi nghiệp sáng tạo, sự phát triển của công nghệ, các ngành nghề kinh doanh mới, vị thế mới, cách làm mới, trong đó có cả mối quan hệ giữa Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân.