“Quản lý nhà nước (QLNN) phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) theo định hướng xã hội chủ nghĩa (ĐHXHCN). Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển KTTN nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, ngày 18-2-2021, thảo luận Đề án “Đổi mới toàn diện QLNN trong lĩnh vực kinh tế” thực hiện Nghị quyết T.Ư số 10-NQ/TW (NQ 10) về phát triển KTTN thành một động lực quan trọng.
Cần chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo
Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng từ năm 2019, Đề án này là một trong các nội dung triển khai thực hiện NQ 10 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường ĐHXHCN.
Trình bày báo cáo tóm tắt về Đề án này, với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phạm vi, đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành. Đề án đã đưa ra năm nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ theo các chức năng cơ bản của QLNN trong lĩnh vực kinh tế. Về mục tiêu tổng quát, theo đề án, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức QLNN theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo MTKD thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển KTTN nêu trong NQ 10 và Nghị quyết 98/NQ-CP.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN), tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho DN, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Kể từ khi triển khai NQ 10, đến nay khu vực KTTN Việt Nam đã có sự phát triển mạnh cả về chất và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có tỷ trọng đóng góp vốn và tài sản cao hơn so các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang dần chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Niên giám thống kê năm 2018 cũng ghi rõ: đóng góp của khu vực DNTN trong nước vào tổng số vốn sản xuất của khu vực DN tăng gấp ba lần từ 5.451,7 tỷ VND năm 2010 lên 16.115,7 tỷ VND năm 2017. Nói cách khác, khoảng 495 tỷ USD đã được các DN Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế chỉ trong vòng bảy năm, trung bình tương đương hơn 70 tỷ USD mỗi năm. Con số này vượt xa số vốn FDI hằng năm đăng ký và thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn. Tỷ trọng doanh thu của các DNTN không ngừng tăng lên, từ 27% năm 2016 lên 37,51% năm 2019, đứng trên cả khu vực DN FDI.
Mặc dù đã có những bước tiến mới, song theo ghi nhận của Bộ KH&ĐT, khu vực DN đặc biệt là DNTN còn đối mặt với không ít rào cản. Chẳng hạn, Luật Đầu tư năm 2014 xác định cụ thể sáu ngành, nghề cấm kinh doanh và 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó quy định có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại có tới 6.191 điều kiện kinh doanh. Hay những vướng mắc của thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự thường được cho là nguyên nhân chính cản trở sự đồng thuận đối với cải cách pháp luật phá sản, bên cạnh các vấn đề tồn tại trong quy định và việc thực hiện giao dịch có bảo đảm ở Việt Nam dẫn đến tình trạng tài sản bảo đảm có mà không thể thu hồi hết giá trị. Hay như trường hợp Grab và Đề án kinh tế chia sẻ là những thí dụ rất hữu ích, cho thấy đổi mới quản lý nhà nước cần xuất phát từ đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế...
Với thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đề án được xây dựng nhằm đổi mới căn bản và toàn diện phương thức QLNN theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế; để KTTN thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, Đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế có tính chất tổng hợp, liên ngành thuộc nhóm cơ quan hành pháp, bao gồm: các chức năng: định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
Bởi theo Bộ KH&ĐT, các cơ quan QLNN chưa thật sự hiểu những chi phí do quy định của mình tạo ra. Đó là ngoài chi phí cho DN (như chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục hành chính, chi phí kinh tế để đáp ứng điều kiện) - vốn lại thường được chuyển vào giá sản phẩm do người tiêu dùng trả, thì việc tổ chức và vận hành bộ máy quản lý nhà nước cũng có những chi phí hiện hữu và chi phí cơ hội. Đó là chưa kể đến chi phí tiềm ẩn nếu xét rằng sự giảm sút về năng lực cạnh tranh của các DN cũng là một loại chi phí, cho cả nền kinh tế. Tư duy QLNN phải thay đổi từ cách quản lý theo hướng truyền thống là dành phần “dễ quản lý” cho cơ quan nhà nước sang dành phần “dễ” cho DN và người tiêu dùng.
Tạo mọi điều kiện để DNTN yên tâm đầu tư, kinh doanh
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu đánh giá, sự lớn mạnh của khu vực KTTN trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ những thay đổi đột phá trong phương thức QLNN. QLNN không chỉ được tiếp cận theo hướng “từ trên xuống” mà còn được kết hợp hiệu quả với cách tiếp cận “từ dưới lên” thông qua việc tiếp thu phản ánh của DN, ý kiến chuyên gia đã tạo ra sức ép rất lớn lên tư duy “nghiện quản lý” của các cơ quan quản lý. Vì vậy, cơ quan QLNN cần phải đổi mới tư duy và nâng cao năng lực để đi theo, bắt kịp những tiến bộ công nghệ của thế giới vì lợi ích chung của xã hội; cạnh tranh lành mạnh lúc này được hiểu là “dễ thì cùng dễ” hơn là ngược lại. Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho DN trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Kết quả là, Nhà nước, DN và xã hội sẽ ở trong thế cùng kéo nhau đi lên thay vì kìm hãm lẫn nhau.
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, về nội dung gắn KTTN với phát triển kinh tế đất nước khi mà thời gian qua, KTTN phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng, lấy dẫn chứng từ những thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ, cũng vẫn còn các mặt bất cập, hạn chế, ràng buộc nhất định đối với sự phát triển. Do đó, cần thảo luận đâu là điểm kiềm chế đối với sự phát triển.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, QLNN phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển KTTN theo ĐHXHCN. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển KTTN nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tinh thần là phải đổi mới QLNN về kinh tế để kinh tế phát triển tốt hơn, bền vững hơn để giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về KTTN một cách đúng mức. Chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ những vướng mắc cho cộng đồng DN. Bên cạnh đó, đề án cần quán triệt các văn kiện, NQ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều quan điểm, định hướng mới về QLNN về kinh tế, trong đó có các quan điểm, các đột phá lớn về KTTN. Cần đưa các nội dung của đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó có KTTN, tạo mọi điều kiện cho KTTN yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.