Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp của thành phố từ năm 2012 đến nay đã trải qua 11 năm, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Trong năm 2022, có 13 ngân hàng trên địa bàn thành phố đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số vốn đạt 434.280 tỷ đồng. Thông qua chương trình, đã giải ngân được 568.340 tỷ đồng, vượt 131% số vốn đăng ký và tăng 16,65% so với năm 2021. Trong đó, có những khoản vay lãi suất 6%/năm đối với ngắn hạn, dài hạn là 10%/năm. Để khơi thông nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chương trình Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp năm 2023 vừa được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp tục có sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại. Tại chương trình này, có 16 ngân hàng thương mại ký cam kết cho 64 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố vay với tổng vốn khoảng 11.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%/năm, trung-dài hạn là 10%/năm.
Đồng hành chương trình kết nối năm 2023, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ký kết hợp đồng tín dụng dành tổng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi giảm bình quân khoảng 2%/năm so với lãi suất thông thường nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Trước đó, Sacombank đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu Vip theo chính sách khách hàng Sacombank Sapphire.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đang triển khai gói tín dụng 25.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành từ 1,5-2%. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết: Gói tín dụng trên được triển khai khi mặt bằng lãi suất ngân hàng rất cao. Hiện, chúng tôi đang rà soát và tính toán để đưa ra gói tín dụng mới lãi suất thấp hơn mức lãi suất đã công bố và thấp hơn so với mặt bằng lãi suất chung. Đồng hành cùng chương trình kết nối nêu trên với nhiều hoạt động thiết thực, chúng tôi hiểu hơn mong muốn và vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có nhiều sản phẩm tốt hơn phục vụ khách hàng. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam Á Bank) cho hay: Nam Á Bank đã triển khai các chương trình, sản phẩm nhằm giảm lãi suất cho vay, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Theo đó, Nam Á Bank dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản, thủy sản với lãi suất ưu đãi giảm 2%/năm. Ngày 4/3, Nam Á Bank giảm mạnh lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, mức giảm lên đến 1,2%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5%, kỳ hạn 11 tháng giảm 1,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,5%. Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã triển khai gói ưu đãi lãi suất vay quy mô 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vay mới với mức ưu đãi giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất hiện hành. Trong đó, riêng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ACB dành 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho chương trình Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Năm 2023, chương trình Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tập trung ba nội dung là: Tổ chức kết nối ngân hàng-doanh nghiệp theo chiều sâu, thực chất, thiết thực, hiệu quả gắn với định hướng nguồn vốn tập trung cho các lĩnh vực cần quan tâm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; đặt trọng tâm thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đưa cơ chế, chính sách đến với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố hiệu quả hơn; phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, kết hợp thực hiện tốt chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng. Trong số này, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay các chương trình của ngân hàng khoảng 300.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào năm nhóm lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.
Để giải quyết khó khăn vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và các ngân hàng thương mại quan tâm việc cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tùy chính sách và điều kiện của từng ngân hàng. Các chính sách tín dụng trên địa bàn thành phố cần triển khai nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời và minh bạch, nhất là cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần ứng dụng chuyển đổi số, thiết lập kênh kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp khi có vướng mắc. Ngoài các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các sở, ngành phải có những buổi gặp mặt, kết nối các doanh nghiệp trong ngành để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vốn tín dụng.