Để hương trầm bay xa

Với giá trị kinh tế cao, những năm gần đây ở một số địa phương tại Bình Định đã phát triển trồng cây dó bầu tạo trầm. Hiện nay, một số nơi đã thu được kết quả bước đầu khả quan, mở ra hướng phát triển ngành sản xuất trầm hương nhân tạo ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Do có mùi hương đặc biệt cho nên trầm hương rất được du khách nước ngoài ưa chuộng.
Do có mùi hương đặc biệt cho nên trầm hương rất được du khách nước ngoài ưa chuộng.

Nhiều người vẫn nói với nhau rằng, giá trầm hương có khi còn đắt hơn vàng. Nghe khó tin nhưng đó là sự thật. Vậy vì sao giá của trầm hương lại cao đến thế? Đó là bởi quá trình hình thành gian nan và hiếm hoi của nó. Phải mất một thời gian rất dài để trầm hương hình thành trên thân cây dó bầu, thường mất khoảng từ một vài thập kỷ đến hàng trăm năm.

Theo tài liệu Cây gỗ rừng Việt Nam, trầm hương là cây gỗ lớn có thể cao 20-30 m, đường kính 50-80 cm hoặc hơn, tán thưa, thân thẳng, vỏ mầu xám, nhiều xơ. Trầm hương là cây mọc nhanh, ở tự nhiên mức tăng trưởng có thể từ 1-1,2 m/năm đối với chiều cao, 1,5-2,5 cm/năm đối với đường kính; gỗ mầu trắng hoặc vàng nhạt, mềm, nhẹ. Đặc điểm nổi bật của trầm là tỏa mùi thơm đặc trưng riêng lúc đốt hoặc chưa đốt. Căn cứ mức độ tích lũy tinh dầu, mầu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ… mà trầm hương có các tên gọi khác nhau như: Trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm bọ sánh, trầm bông, trầm da báo, trầm điệp lá, trầm điệp trai, trầm kiến xanh, trầm rục, trầm sanh…

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, trầm hương được một số người đi rừng tìm thấy trong những thân cây gỗ mục hoặc cây đã chết. Thế nhưng, công cuộc tìm trầm như "mò kim đáy bể" nên họ nghĩ ra cách đưa cây dó bầu từ rừng về trồng thử ở vườn nhà, rồi tìm cách tạo trầm hương.

Dựa vào kinh nghiệm, họ khoét trên thân cây những hình chữ nhật, đục sâu vào khoảng 5 cm, sau đó cho axit tạo trầm vào. Sau khoảng thời gian từ 7 đến 10 năm, những phần thân bị tác động này sẽ xuất hiện trầm. Từ đó việc sản xuất trầm hương nhân tạo xuất hiện ở một số tỉnh miền trung, giúp trầm hương ngày nay có mức giá thấp hơn, dễ dàng tiếp cận rộng rãi tới người dân.

Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, chế biến, tạo trầm hương, ông Nguyễn Hữu Toàn, chủ cơ sở sản xuất Trầm hương Ba Toàn (thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ, Hoài Ân, Bình Định) cho biết, tiêu chuẩn đánh giá trầm hương thường dựa vào xuất xứ, hình thù, kích cỡ, mầu sắc, trọng lượng, độ tinh khiết… Trong giao dịch mua bán, việc phân loại phần lớn dựa vào kinh nghiệm, thỏa thuận, thông qua hành vi trực tiếp như nhìn, sờ, gọt, bấm, đốt, nếm, ngửi… nhưng nhiều khi cũng hên xui, khó có thể đoán định được lượng trầm trong thân cây là bao nhiêu. Nếu may mắn, lời lãi có thể lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng cũng có khi đành chấp nhận chịu lỗ.

Hiện nay, Trầm hương Ba Toàn là cơ sở duy nhất ở xã Ân Mỹ ngoài thu mua cây dó bầu ở nơi khác về sản xuất, chế tác, còn thực hiện trồng dó bầu tạo trầm, cung cấp các sản phẩm mới là nhang sạch trầm hương cao cấp và tinh dầu trầm hương chính hiệu. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của ông Toàn cũng chế tác nhiều mặt hàng khác như vòng chuỗi hạt, đồ trang sức, cây bon-sai, các sản phẩm tâm linh, bút, tượng gỗ… Tùy vào khối lượng, tinh chất dầu, kích cỡ mà mỗi sản phẩm sẽ có giá bán khác nhau.

Ông Toàn nhận định, từ trước đến nay các hộ làm trầm vẫn thực hiện theo kiểu tự phát, tự tìm kiếm thị trường. Nghĩa là nơi nào ngoại giao tốt với khách hàng thì tiêu thụ sản phẩm nhanh và ngược lại. Thế nên đối với ngành nghề rất "kén người" này mà không có sự liên kết hỗ trợ nhau trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thì khó có thể tìm được chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Ngày nay, các nước có nguồn trầm cung cấp cho thế giới tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và vài nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan… Thị trường mua bán trầm và các sản phẩm từ trầm chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; thị trường tiêu thụ trực tiếp là các nước Ả-rập, Nhật Bản (trầm hương loại tốt), đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều người theo đạo Hồi giáo, Phật giáo. Thế nhưng, dù có thị trường rộng lớn nhưng do bị khai thác cạn kiệt nên nguồn cung cấp trầm trên thị trường ngày càng khan hiếm.

Hiện nay, việc tạo trầm, sản xuất, chế tác để xuất khẩu đang được đẩy mạnh ở một số địa phương, mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc tìm kiếm công ăn việc làm có thu nhập cao. Trong ngành đông y, dược phẩm, các lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như Hồi giáo và Phật giáo cũng có nhu cầu sử dụng trầm hương ngày càng nhiều.

Đặc biệt, ngành hương liệu-mỹ phẩm cũng đang hướng tới để tạo ra những sản phẩm nước hoa dành cho phụ nữ… Có thể thấy, đây là thị trường giàu tiềm năng, lý tưởng, có thể mang lại lợi nhuận cao cho ngành sản xuất trầm hương nhân tạo ở nước ta.

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Toàn, để sản xuất trầm hương nhân tạo trở thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, mua cây dó bầu tạo trầm cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian tạo trầm tương đối dài, trong khi đây chưa phải là mặt hàng thiết yếu đáp ứng cho nhu cầu hoạt động sản xuất và đời sống. Thế nên, nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là về tín dụng thì không dễ dàng gì phát triển được.

Thứ hai, cách tạo trầm còn dựa vào yếu tố may mắn, hên xui chứ chưa có phương pháp, công nghệ tạo trầm dựa trên những nghiên cứu, thực nghiệm một cách bài bản, thế nên chưa tạo ra sản phẩm đồng loạt, chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Cùng với đó, giá bán trầm hương thất thường, thông tin mập mờ, chưa rõ ràng nên khả năng cạnh tranh trên thị thường quốc tế chưa cao. Chất lượng cây giống, các chỉ tiêu về chất lượng, sự hiểu biết về tạo trầm hương cũng như tổ chức hỗ trợ nghề nghiệp… còn thiếu nhất quán, đặt ra những yêu cầu cơ bản và cấp bách trong việc phát triển trầm hương nhân tạo.

Mặc dù vậy, từ những thành công bước đầu về trồng cây dó bầu và tạo được trầm, cùng với khát khao làm giàu, tính năng động sáng tạo của người Việt Nam, nếu có sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của nhà nước, đây sẽ là cơ hội cho người dân vươn lên làm giàu, đưa ngành lâm nghiệp phát triển.