Đề cao vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính

NDO - Sáng 16/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ hai hội nghị chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Tại điểm cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự. Phiên họp được tổ chức trực tuyến, kết nối đầu cầu Chính phủ tại tất cả các tỉnh, thành phố cả nước.

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết, đây là phiên họp thứ hai của Tổ công tác cải cách nhằm mục tiêu tạo được rất nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch, đồng thời thúc đẩy phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Phiên họp lần này, các đại biểu tập trung lắng nghe kết quả cải cách thủ tục hành chính và nêu những mặt còn hạn chế, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đề cao vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính ảnh 1

Các đại biểu dự hội nghị.

Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử của các bộ, ngành, địa phương lần lượt đạt 22,48% và 38,94% (cùng kỳ 2022 đạt 8,78% và 13,14%).

Việc chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ đạt 38,84%). Qua đó, góp phần xây dựng đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành như dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe...

Thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành, 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tổng cộng đã có 1,2 tỷ trường hợp tra cứu, 536 trường hợp đồng bộ thông tin công dân, 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.

Thời gian qua, cơ chế chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như Luật Giao dịch điện tử 2023.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định.

Việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.

Nhấn mạnh một số định hướng, giải pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, khi rà soát, xây dựng quy trình, thủ tục mới phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp nhằm tránh phát sinh những quy trình, thủ tục chưa hoàn chỉnh, gây khó, tốn thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

Khi rà soát, xây dựng quy trình, thủ tục mới phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp nhằm tránh phát sinh những quy trình, thủ tục chưa hoàn chỉnh, gây khó, tốn thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Đề cao vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Trong trường hợp phải xin ý kiến cũng thực hiện quy trình trực tuyến thay vì bằng văn bản như hiện nay để tiết kiệm thời gian, đùn đẩy trách nhiệm.

Các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao vai trò của người đứng đầu bởi chỉ ở đâu người đứng đầu quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính thì ở nơi đó mới có kết quả tốt, tích cực và ngược lại.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện điều động, biệt phái cán bộ có đạo đức, trách nhiệm, đủ năng lực để triển khai, trên nguyên tắc không làm phát sinh thêm biên chế.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy việc thực hiện Đề án 06, nhấn mạnh đây là tài nguyên vô cùng quý giá cần được kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…

Thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành, 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tổng cộng đã có 1,2 tỷ trường hợp tra cứu, 536 trường hợp đồng bộ thông tin công dân, 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố còn nhiều nội dung thực hiện chưa đạt như kết quả mong muốn cần tháo gỡ.

Cụ thể như tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết, số lượng và chất lượng dịch vụ công, chất lượng dịch vụ điện tử, tỷ lệ số hóa hồ sơ còn đạt tỷ lệ thấp. Theo Ủy ban nhân dân thành phố, nguyên nhân khách quan do thành phố có khối lượng hồ sơ lớn; nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật hành chính, sự tập trung chỉ đạo thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cơ quan hành chính.