Hợp tác quốc tế đào tạo, phát triển nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Phát huy các giá trị văn hóa, đào tạo nhân lực, phát triển con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững là vấn đề được đưa ra phân tích tại Tọa đàm “Văn hóa, Kinh tế, Xã hội và Nhân văn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Đặc trưng, đổi mới và phát triển”, do Trường đại học Cần Thơ phối hợp Tổ chức JICA Việt Nam tổ chức ngày 29/9.
0:00 / 0:00
0:00
GS,TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm “Văn hóa, Kinh tế, Xã hội và Nhân văn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Đặc trưng, đổi mới và phát triển”.
GS,TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm “Văn hóa, Kinh tế, Xã hội và Nhân văn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Đặc trưng, đổi mới và phát triển”.

Phát biểu tại tọa đàm, GS,TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định, đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long có trình độ phát triển khá so với cả nước; đồng thời, là nơi đáng sống, là điểm điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư, các cộng đồng dân cư thịnh vượng.

Do vậy, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú đa dạng là để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hợp tác quốc tế đào tạo, phát triển nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Quang cảnh tọa đàm.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đánh giá, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng phát triển.

Theo TS Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19% dân số cả nước nhưng đến năm 2020 chỉ góp khoảng 12% GDP của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 56 triệu đồng, bằng 69% so trung bình cả nước (81,6 triệu đồng).

Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 43% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 2/3 làm nghề trồng lúa, hoa màu. Các địa phương trong vùng đang đối mặt thách thức vấn đề di cư cơ học, lực lượng lao động trẻ đổ về các vùng miền khác để tìm việc. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho vùng.

Nghiên cứu về nguồn lực văn hóa, con người đồng bằng sông Cửu Long, TS Bùi Thanh Thảo (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng, đặc trưng con người và văn hóa đồng bằng sông Cửu Long là: nghĩa khí, hào hiệp; tình cảm, bao dung; năng động, sáng tạo; phóng khoáng, tự do, trách nhiệm; yêu đời, tình nghĩa, mến khách. Tính cách con người văn hóa có nhiều phẩm chất đáng quý, thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội vùng trong hiện tại và tương lai.

“Do đó, cần tập trung vào phát triển con người, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cả về thể chất và tâm hồn, cả về nhân cách và trình độ chuyên môn để đáp ứng cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển bền vững”, TS Bùi Thanh Thảo đề xuất.

Tại tọa đàm, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Yuichi Sugano, đánh giá, trong nhiều năm qua, JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) và Trường đại học Cần Thơ là đối tác đáng tin cậy, qua đó đã trang bị để nhà trường phát huy khả năng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các nhà nghiên cứu quốc tế.

Hợp tác quốc tế đào tạo, phát triển nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - ông Yuichi Sugano phát biểu tại tọa đàm.

Mối quan hệ hợp tác hiện nay là sự kết hợp toàn diện giữa hợp tác tài chính nhằm hỗ trợ xây dựng tổ hợp phòng thí nghiệm công nghệ cao và tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung; và hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển Đại học Cần Thơ thành một cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kiến thức xuất sắc.

Ông Yuichi Sugano thông tin, đến nay có tổng cộng 40 dự án nghiên cứu đã được hoàn thành trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường về chủ đề thích ứng với biến đổi khí hậu và đã được trình bày tại hội thảo dành cho chính quyền địa phương và ngành công nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Khẳng định về hợp tác tương lai, ông Yuichi Sugano cho biết: "Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Trường đại học Cần Thơ trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác của chính quyền địa phương, Trường đại học Cần Thơ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là động lực hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực đồng bằng sông Cửu Long".