Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN VĂN SƠN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về những thành tựu nổi bật, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ đại hội.
Phóng viên: Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa kinh tế, xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía bắc, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu trên?
Ðồng chí Nguyễn Văn Sơn: Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 được tiến hành theo phương châm “Ðoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Ðổi mới-Phát triển” và chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa nguồn lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; phấn đấu đưa kinh tế, xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía bắc”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn thăm mô hình trồng nho cho thu nhập cao tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình. |
Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng xây dựng, phát triển tỉnh Hà Giang theo tinh thần nghị quyết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện “ba đột phá và năm chương trình trọng tâm”; ban hành 33 nghị quyết, 27 chỉ thị, 44 chương trình, 23 đề án và nhiều kế hoạch đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống.
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, tỉnh đạt được nhiều thành quả quan trọng, toàn diện; kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023 đạt gần 6%. Ðến nay, trong 17 chỉ tiêu nghị quyết đề ra, có 5 chỉ tiêu đạt và vượt; 8 chỉ tiêu đạt từ 80 đến dưới 100%; 4 chỉ tiêu đạt từ 50-80% và chỉ còn một chỉ tiêu đạt 35%.
Hà Giang xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021-2025, từ đầu nhiệm kỳ, nhiều dự án giao thông trọng điểm được khởi công. (Trong ảnh: Lễ khởi công mở rộng Quốc lộ 2 đoạn qua thành phố Hà Giang) |
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đồng bộ. Tỉnh đã khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) kết nối Hà Giang với hệ thống cao tốc của cả nước; hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn nối thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang với huyện Bảo Yên (Lào Cai); thực hiện cải tạo, mở rộng 7 tuyến tỉnh lộ; hoàn thành 80km đường giao thông huyện; cứng hóa gần 1.000km đường trục xã, trục thôn và đường nội đồng.
Du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững gắn với phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, di tích lịch sử, di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn. Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế. Vừa qua, Hà Giang đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch Quốc tế WTA trao giải “Ðiểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023”.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. (Trong ảnh: Kiến trúc truyền thống của người H’Mông tại Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village, huyện Quản Bạ) |
Cùng với du lịch, các sản phẩm nông sản đặc hữu của tỉnh được phát triển, nâng cao cả quy mô, chất lượng, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trở thành hàng hóa đặc trưng, chủ lực của tỉnh, như: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, bò vàng, lợn đen... qua đó tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân địa phương.
Chính sách ổn định đời sống, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tích cực. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, tỉnh ưu tiên bố trí 1.810 tỷ đồng và huy động hiệu quả nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân. Tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo với 6.700 căn nhà, tương đương với 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Triển khai hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp với 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế. Nghị quyết về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh được triển khai thiết thực, hiệu quả, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thu hút du khách trong và ngoài nước. |
Quốc phòng-an ninh được bảo đảm, đường biên mốc giới được giữ vững, ổn định. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, thực chất. Công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh.
Phóng viên: Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn, nhưng Hà Giang vẫn đạt được nhiều thành quả nổi bật, xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm rút ra sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết?
Ðồng chí Nguyễn Văn Sơn: Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 gắn với thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng vừa được tổ chức đã phân tích rõ kết quả, đúc rút một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện phải có chủ trương, định hướng xây dựng chủ thể liên kết sản xuất ngay tại cơ sở, đi đôi với tạo cơ chế giúp các chủ thể liên kết hoạt động hiệu quả. Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, với quan điểm sản lượng ít nhưng giá trị cao, xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số vào các khâu trong sản xuất. Nâng cao vai trò trong chỉ đạo sản xuất của ngành nông nghiệp.
Chú trọng khai thác các cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao nhằm tạo nên sản phẩm đặc trưng có sức cạnh tranh cao. (Trong ảnh: Thu hái chè Shan tuyết cổ thụ tại thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) |
Thứ hai, công tác giáo dục và đào tạo phải gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tập trung xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Chú trọng công tác đối ngoại, gắn đối ngoại về phát triển kinh tế, đối ngoại nhân dân với bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia. Chủ động, tích cực hợp tác giao lưu và hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những giải pháp cụ thể của tỉnh trong nửa cuối nhiệm kỳ nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 17 đề ra?
Ðồng chí Nguyễn Văn Sơn: Bước vào nửa cuối nhiệm kỳ 2023-2025, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang kế thừa, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đoàn kết, quyết tâm phấn đấu thực hiện hiệu quả 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành thắng lợi 17 chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra.
Tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về: Phát triển kinh tế; văn hóa-xã hội; quốc phòng-an ninh, đối ngoại; xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị. Trong đó tập trung chính vào một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về tổ chức, chính trị, tư tưởng, đạo đức. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng công vụ, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị di sản trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, đề án đã ban hành. Phát huy tiềm năng, lợi thế, sớm xây dựng Hà Giang thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh có kinh tế-xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía bắc vào năm 2030.
Với kết quả quan trọng đạt được nửa đầu nhiệm kỳ, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên. Ðó là nguồn cổ vũ, động lực cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục phấn đấu, triển khai có hiệu quả các giải pháp đề ra để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!