Đây là nhận định được các chuyên gia, diễn giả đưa ra tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng = Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”, diễn ra ngày 20/9, tại Hà Nội, do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức.
Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến đến từ các bộ, ban, ngành như Quốc hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu việc làm Đức, Viện Tương lai Bền vững - Đại học Công nghệ Sydney, cùng các đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Phát huy thế mạnh nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh
Hội thảo phân tích và đánh giá tiềm năng mà chuyển dịch năng lượng mang lại cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam, từ đó đưa ra khuyến nghị góp phần giúp Việt Nam có những quyết sách đúng đắn và phù hợp để chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng tất yếu của phát triển năng lượng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng.
Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Chuyển dịch năng lượng với việc tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, sạch thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống sẽ tạo ra các cơ hội mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững và công bằng hơn, đồng thời giảm thiểu tác động xấu, tiêu cực của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Khẳng định Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, với các cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng và ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Tuy nhiên, để bảo đảm chuyển dịch năng lượng thành công, hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng, cần phải chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh, bảo đảm vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
TS Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
TS Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam bày tỏ ủng hộ cam kết của Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và cam kết về Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng toàn diện (JETP) đã được Việt Nam và các nước thành viên G7 ký kết vào tháng 12 năm ngoái.
Khẳng định Đức là đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam, Đại sứ Guido Hildner chia sẻ, dự án chung đầu tiên giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã bắt đầu vào năm 2009. Kể từ đó, hợp tác song phương đã không ngừng phát triển và hiện bao gồm danh mục tổng thể gồm các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch trị giá hơn 1 tỷ Euro.
Chia sẻ kinh nghiệm của Đức, Đại sứ Guido Hildner cho biết, ở Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu trong giai đoạn 2012-2020. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhưng cũng có những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.
Để quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra thành công đòi hỏi sự đóng góp của toàn xã hội. Trong đó, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực lành nghề trong nước để phục vụ cho quá trình này.
Thực tế cho thấy, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có thể cần khoảng 1,61 đến 1,93 triệu lao động. Cùng với đó, quá trình chuyển dịch này sẽ góp phần tạo ra 315 nghìn việc làm mỗi năm tại các đơn vị sản xuất điện mặt trời, điện gió và sinh khối trong giai đoạn đến năm 2030. Từ đó, cơ hội việc làm sẽ có khả năng gia tăng khi tỷ trọng năng lượng tái tạo đang từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động và cho rằng đây là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm, từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố JETP, trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, như tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến chuyển dịch năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho chuyển đổi năng lượng…
Bảo đảm chuyển dịch năng lượng công bằng, không bỏ lại ai phía sau
Các chuyên gia trong và ngoài nước trong phiên thảo luận về khai thác tiềm năng của chuyển dịch năng lượng và việc làm công bằng ở Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Tại các phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng trên thế giới, nêu bật các cơ chế thành công, trong đó nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng được nhấn mạnh cần phải xem xét đến các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để bảo đảm chuyển dịch công bằng, không bỏ lại ai phía sau.
Đồng thời, các đại biểu cũng đi sâu phân tích làm rõ tầm quan trọng của việc “nuôi dưỡng” lực lượng lao động, xây dựng cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Các đại biểu cũng cùng phân tích và đề xuất các giải pháp đột phá cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia khẳng định tính cấp thiết của việc thúc đẩy các biện pháp phát triển kỹ năng và thúc đẩy việc làm để hiện thực hóa tiềm năng việc làm, đồng thời lưu tâm đến vấn đề bình đẳng giới và đề cao vai trò của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Từ kinh nghiệm của Đức, TS Markus Janser, Viện Nghiên cứu việc làm Đức cho biết, chuyển dịch năng lượng đã kích hoạt những chuyển động rõ ràng trên thị trường lao động, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu trong thị trường lao động, tạo mới và xóa bỏ việc làm cũng như những thay đổi về nghề nghiệp và việc làm hiện hữu.
Tác động của sự chuyển dịch này đến việc làm về tổng thể là tích cực, nhưng cũng đặt ra vấn đề đó là thiếu lao động lành nghề khi họ có thể cần phải đào tạo lại kỹ năng, hoặc thậm chí thay đổi công ty/ngành nghề... để phù hợp với xu hướng dịch chuyển xanh.
Từ đó, TS Markus Janser khuyến nghị cách tiếp cận cho chính sách thị trường lao động hiện nay nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có cần tập trung vào thay đổi chương trình giảng dạy trong các chương trình giáo dục và đào tạo nghề theo nhu cầu chính sách khí hậu.
Các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi năng lượng trưng bày bên lề hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng xanh cho người lao động, đặc biệt tập trung vào người lao động trong các ngành năng lượng hóa thạch và các nghề có kỹ năng nâu, bên cạnh việc xem xét xây dựng các chương trình bảo hiểm tiền lương tạm thời để giúp người lao động chuyển sang các ngành công nghiệp xanh hơn.
Các công ty tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh cũng cần được hỗ trợ, thí dụ như giúp các công ty này thay đổi mô hình kinh doanh, đào tạo nhân viên và đầu tư vào công nghệ sạch. Ngoài ra, cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp xanh và giúp họ tìm được những công nhân lành nghề.
Nhấn mạnh lực lượng lao động lành nghề là yếu tố cốt lõi để chuyển dịch năng lượng thành công, bà Jay Rutovitz, Giám đốc nghiên cứu Viện Tương lai bền vững, Đại học Công nghệ Sydney cho biết, để lấp đầy những vị trí việc làm cần thiết cho sự chuyển dịch này, đòi hỏi sự phối hợp hành động giữa giáo dục và nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng cho người lao động, từ đó đạt được những lợi ích to lớn trên quy mô quốc gia và khu vực.
Theo bà Jay Rutovitz, sự gia tăng lực lượng lao động ngành năng lượng theo nhu cầu hiện nay là một cơ hội lớn, đồng thời cũng đặt ra rủi ro cho quá trình chuyển dịch năng lượng. Do đó, chính phủ cần đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm thiết lập, triển khai các quy trình đào tạo và phát triển lực lượng lao động, cũng như hiệu quả các chiến lược ngành, các hoạt động đào tạo lại, biện pháp hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng do mất việc làm.