Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) cho phép các đơn vị trong ngành ngân hàng được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước gắp chip và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp.
Điều này có vai trò rất quan trọng để ngành ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm.
Làm sạch thông tin gần sáu triệu khách hàng
Thời gian qua, Agribank đã cùng toàn ngành tập trung thực hiện Kế hoạch 01 giữa ngành ngân hàng và Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi số của Agribank được Hội đồng thành viên, Ban điều hành và các cấp lãnh đạo quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực để thực hiện.
Đến nay, Agribank đã hoàn thành xây dựng hệ thống quản lý xác thực và làm sạch thông tin khách hàng, cho phép đồng bộ và quản lý, khai thác dữ liệu khách hàng đã được làm sạch từ các kênh, hỗ trợ đắc lực trong quá trình triển khai việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tổ chức cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Tính đến ngày 20/12/2024, Agribank đã thực hiện làm sạch thông tin gần 6 triệu khách hàng.
Bên cạnh đó, Agribank cũng không ngừng đẩy mạnh, tập trung nguồn lực vào việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng và phát triển hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số. Cụ thể, Agribank đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số đối với tất cả các nhóm sản phẩm dịch vụ như huy động vốn; thanh toán trong nước; thẻ; thanh toán quốc tế; kinh doanh ngoại hối; kiều hối; ngân hàng điện tử; ngân quỹ và quản lý tiền tệ; ủy thác đại lý; sản phẩm dịch vụ liên kết, bảo hiểm…
Trong đó, đối với các nền tảng số cho khách hàng cá nhân, Agribank triển khai nâng cấp và phát triển chức năng tiện ích mới (với gần 90 dịch vụ tiện ích) như cập nhật dữ liệu khách hàng từ thẻ căn cước gắn chip, xác thực khách hàng theo hạn mức giao dịch đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN,… cung cấp các dịch vụ số hiệu quả, chất lượng phục vụ tới hơn 12 triệu khách hàng tại Agribank.
Theo Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, hiện Agribank cung cấp hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho 16 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản và gần bốn triệu khách hàng vay vốn, thông qua mạng lưới hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch tại 63 tỉnh, thành phố. Với tỷ lệ khách hàng cá nhân chiếm 70% trong tổng số khách hàng, Agribank hiện là ngân hàng bán lẻ lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện ứng dụng dữ liệu dân cư vào các hoạt động ngân hàng, mới đây, Agribank và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) - Bộ Công an đã ký kết triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VN eID trên Agribank Plus.
“Việc triển khai xác thực điện tử qua VNeID trên ứng dụng Agribank Plus sẽ giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn Agribank đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số”, ông Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh.
61,5 triệu khách hàng xác thực sinh trắc học
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm, bám sát nhiệm vụ chung của Đề án 06 và Kế hoạch 01 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; trong đó có quy định sử dụng VNeID là một trong những kênh định danh khách hàng bằng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến.
Với sự nỗ lực không ngừng của các đơn vị, tính đến ngày 20/12/2024, toàn ngành đã có hơn 84,5 triệu khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản trực tuyến, trong đó có 61,5 triệu khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học.
Cũng theo ông Tuấn, Agribank là một trong những ngân hàng chủ động xây dựng kênh thanh toán mới cho khách hàng cá nhân bảo đảm thanh toán thông suốt, ổn định. Việc ký kết triển khai thu thập và đối chiếu sinh trắc học qua VNeID của ngân hàng cũng thể hiện sự tích cực triển khai Kế hoạch 01 giữa ngành ngân hàng và Bộ Công an trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Đến nay, cùng với Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng đã triển khai định danh điện tử qua VNeID như Vietcombank, MB, BIDV, Techcombank,… giúp người dùng có thể xác thực sinh trắc học thay vì tới trực tiếp quầy giao dịch. Thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ có thêm nhiều đơn vị ký kết với Trung tâm RAR để triển khai nội dung này, góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng và phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an ninh an toàn cho khách hàng; định hình rõ nét quan điểm “lấy khách hàng là trung tâm” của ngành ngân hàng.
Như vậy, việc triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua nền tảng VNeID không chỉ đơn thuần là một giải pháp công nghệ để xác thực và định danh điện tử, mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc khai thác và tạo ra những giá trị thặng dư về dữ liệu, đặt nền móng cho sự phát triển sâu rộng và bền vững của ngành ngân hàng trong thời đại số. Hơn cả việc đơn thuần thu thập thông tin, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục C06 (Bộ Công an) khẳng định, hệ thống VNeID tạo điều kiện để dữ liệu được xử lý, phân tích và chuyển hóa thành những tri thức.
Điều này không chỉ giúp ngân hàng hiểu rõ hơn nhu cầu và hành vi của khách hàng, mà còn hỗ trợ thiết kế các sản phẩm tài chính cá nhân hóa, tối ưu hóa dịch vụ khách hàng và phát triển các chiến lược kinh doanh linh hoạt. Việc triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID không chỉ hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch ngân hàng dễ dàng hơn mà còn bảo đảm an toàn thông tin, giảm thiểu rủi ro gian lận trực tuyến.