Đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù

NDO - Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội là bước đột phá quan trọng, góp phần tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đề xuất giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ

Chiều 10/11, phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận của Tổ 8 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành luật để xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực như các nghị quyết của Đảng đã yêu cầu.

Về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô (Chương II), đại biểu nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đại biểu cũng đồng tình với việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Do đó, cần những nội dung quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định biên chế, nguồn biên chế dự phòng. Nếu quy định như dự thảo hiện tại là “giao cho Hội đồng nhân dân thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm”, theo đại biểu Yên là chưa rõ ràng, cụ thể.

Đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 2

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 8 của Quốc hội, chiều 10/11/2023. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Vì vậy, đại biểu kiến nghị nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho Hội đồng nhân dân thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

Quy định như vậy sẽ giúp thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Về thu hút, chế độ đãi ngộ và chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17), đại biểu cho rằng quy định như Điều 13 Luật Thủ đô 2012: “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài” là khá đầy đủ và thành phố có đủ thẩm quyền để thu hút, trọng dụng nhân tài với các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, đại biểu đồng ý với chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.

Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18), dự án luật cho phép áp dụng quỹ lương với tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, đại biểu Yên đề nghị luật cũng cần quy định sao cho phù hợp, chặt chẽ, bảo đảm bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa mới thảo luận.

Nông nghiệp Hà Nội phải khác biệt, mang gương mặt mới

Đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 1 của Quốc hội, chiều 10/11/2023. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Thảo luận tại Tổ 1 về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tâm huyết về lĩnh vực nông nghiệp của Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu nhận định, trong hơn 10 năm qua, Luật Thủ đô 2012 đã phát huy giá trị trong thực tế, góp phần để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị-hành chính quốc gia.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải có những bước đi, những hành lang pháp lý thực sự đột phá để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đại biểu Lan, trước hết phải nhận thức rõ về quan điểm mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh, thành phố khác.

Điều quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình…) cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận.

"Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác", đại biểu Lan nhấn mạnh.

Về giải pháp, nữ đại biểu cho rằng, cần phải cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại đất đai cho phát triển nông nghiệp. Đây là nội dung cần đột phát mạnh, cần tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh, giảm đầu tư cho trồng trọt, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có…

Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng cần cơ cấu lại trình độ kỹ thuật nông nghiệp trong điều kiện mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội hiện nay vẫn còn thấp, chưa chú trọng vào nghiên cứu, ứng dụng ở các khâu làm gia tăng giá trị nông sản.

Ngoài ra, cần tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học.

Đồng thời, cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp, cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nghiên cứu và xem xét bổ sung quy định về thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…