Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước

NDO - Khẳng định Luật Thủ đô (sửa đổi) là bộ luật quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho riêng Hà Nội mà cho cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)

Tạo động lực phát triển cho cả vùng, cả nước

Chiều 10/11, phát biểu thảo luận tại Tổ 4 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô là luật quan trọng, với vai trò của Hà Nội là đô thị đặc biệt, là thủ đô của cả nước.

Khẳng định đô thị đặc biệt có thể nhiều nhưng thủ đô chỉ có một, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, trung tâm lớn…

“Lần này xác định trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; đưa kinh tế lên trên, quy mô kinh tế tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh. Do tính chất kinh tế của Thủ đô khác trước nên xác định như vậy”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ về việc sửa Luật Thủ đô.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô lần này thể chế hóa được nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho tới tận giữa thế kỷ, thúc đẩy, tạo động lực phát triển cho cả vùng, cả nước. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nói xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đầu tư rất lớn cho luật này. Luật được khởi động từ sớm, từ làm Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ thành phố.

Xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước ảnh 1

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)

Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm tra Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc rất sớm, Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội ở thời điểm còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đã 2 lần làm việc với Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

“Đây vừa là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng đoàn Quốc hội, của công dân trên địa bàn Thủ đô. Thời tôi còn làm Bí thư Thành ủy không dài, 4 năm với 2 nhiệm kỳ, kéo dài chỉ 14 tháng nhưng tình cảm, trách nhiệm và đầu tư công sức vào đây tương đối nhiều”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Như đại biểu Quốc hội nhận định, dự án luật tuy mới trình lần đầu nhưng chất lượng khá tốt, đã khắc phục được “luật khung, luật ống” của luật cũ. Theo Chủ tịch Quốc hội, luật cũ cũng có tác động nhưng không nhiều.

Luật mới tăng 3 chương, 27 điều. Quy định lần này mang tính chất quy phạm rất rõ để áp dụng khả thi chứ không có tình trạng “luật khung, luật ống”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Việc xây dựng luật cần làm sao để luật này vừa phản ánh tính phổ quát của đô thị đặc biệt, vừa có đặc thù riêng có của Thủ đô. Thực chất đây là đạo luật về cơ chế đặc thù, cũng là đạo luật phân quyền, giao quyền, phân cấp và kèm theo đó là giám sát, kiểm tra. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu góp ý để luật hoàn thiện tốt nhất.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng luật có thuận lợi là vừa xây dựng nghị quyết đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh với 44 chính sách, trong đó 27 chính sách mới chưa từng áp dụng. Do đó, cũng có cơ hội áp dụng cho Thủ đô Hà Nội.

Tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội là phù hợp

Xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hiện có 3 địa phương là Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, song ở đây có điểm khác biệt giữa Hà Nội với 2 địa phương còn lại.

Khi tổng kết các mô hình này, Hà Nội trình Bộ Chính trị xác định mô hình, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội là phù hợp hơn, vì chỉ bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, còn chính quyền nông thôn vẫn nguyên, vẫn có cả Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân ở chính quyền nông thôn; ở đô thị giữ lại Hội đồng nhân dân quận, huyện.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách, chỉ còn là đơn vị dự toán nên ngoài chuyện kiểm tra thì không còn dự phòng ngân sách, và không quá dồn vào cấp chính quyền thành phố thì phù hợp hơn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 15 đã đồng ý với Hà Nội, cho phép áp dụng cơ chế này; tới nay khi tổng kết thì luật hóa theo hướng này và đã “tương đối chín”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trên lý thuyết, ở đâu có Ủy ban nhân dân thì ở đó có Hội đồng nhân dân; ở đâu có quản lý, ở đó giám sát. Nhưng do địa lý gần nhau thì bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, còn giữ lại Hội đồng nhân dân cấp quận.

Khi giảm số lượng Hội đồng nhân dân các cấp, thành phố đề xuất tăng từ 90 lên 125 đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan liên quan đã nghiên cứu rất kỹ thì thấy đề xuất này hoàn toàn phù hợp.

Khi tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường thì giảm 6.000 đại biểu, nay tăng có mấy chục. Nghị quyết 18 không nói giảm Hội đồng nhân dân cấp nào cả, chỉ nói giảm nói chung. Bỏ cấp phường giảm 6.000 chỉ tăng mấy chục cho cấp thành phố là hợp lý. Từ 90 lên 125 chỉ tăng 35 người, trong khi đó giảm mấy nghìn biên chế chỗ này, tôi cho rằng cũng hợp lý”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu Quốc hội cũng ủng hộ chủ trương này.

Nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cho thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cũng cần thiết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cũng nên thí điểm và sau này đánh giá luật hóa.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, Hội đồng nhân dân bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban Hội đồng nhân dân. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì rõ ràng cũng gần như một cấp, là một thiết chế và có quyền hạn riêng.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây cũng nên quy định một số quyền hạn cho Thường trực Hội đồng nhân dân. “Khoản 4 Điều 9 trao cho Thường trực Hội đồng nhân dân một số quyền hạn riêng, còn quyền hạn thế nào phải tính nhưng nên ủng hộ quy định này. Nếu thực tiễn Hà Nội tốt thì ta luật hóa cái này lên. Thực tiễn bây giờ diễn biến nhanh mà cứ chờ Hội đồng nhân dân họp hay họp bất thường thì khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.