Thêm cơ chế đặc thù để Thủ đô bứt phá

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Nghị quyết quy định Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Thời điểm này, thành phố Hà Nội đang tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến để Luật Thủ đô (sửa đổi) với các chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức. (Ảnh MINH ANH)
Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức. (Ảnh MINH ANH)

Bài 1: Tăng cường phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở

Từ giữa tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách quan trọng, theo hướng trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi. Trong đó, mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường phân cấp, ủy quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả được thành phố đặc biệt chú trọng.

Ngày 1/7/2021, thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019. Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các quy định về tổ chức chính quyền của thành phố hướng đến mục tiêu phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, tại Chương II dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về Tổ chức chính quyền Thủ đô tại Thành phố Hà Nội (từ Điều 8 đến Điều 18). Chương này tập trung quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp của thành phố Hà Nội, theo đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các chủ thể nêu trên trong một số lĩnh vực.

Riêng đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật có những quy định cụ thể về phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân thuộc thành phố Hà Nội.

Đáng chú ý, liên quan phân cấp, ủy quyền, ngoài việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong đó, quy định Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thuộc thành phố Hà Nội. Các cơ quan chuyên môn này được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính khác trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Ngô Anh Tuấn đánh giá: Các quy định tại dự thảo đang hướng đến mục tiêu phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở, nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm đồng bộ với các quy định hiện hành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng lưu ý, việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù tại Hà Nội cần căn cứ vào nhu cầu thực tế và nên quy định theo hướng mở để giải quyết nhu cầu thành lập khi có phát sinh về sau.

Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về vấn đề phân cấp, ủy quyền, vì vậy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ nên quy định các vấn đề khác nhau, trong đó chú trọng các quy định mang tính phân quyền tối đa để tạo thuận lợi cho thành phố Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thể hiện rõ quy định cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, đi cùng với vấn đề ủy quyền là nhiều điều kiện, trong đó có thể kể đến điều kiện để người nhận ủy quyền thực hiện công việc, cơ chế giám sát thực hiện việc này để khả thi trong thực tiễn.

Hiện Hà Nội đã phân cấp, ủy quyền hai mảng chính là quản lý nhà nước và thủ tục hành chính. Thành phố đã điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với chín lĩnh vực liên quan các vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Phân cấp, ủy quyền 708 trong số 1.910 thủ tục hành chính.

Thành phố tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế; rà soát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách giữa các cấp ngân sách của thành phố; rà soát thủ tục hành chính để bảo đảm nguồn lực thực hiện phân cấp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Dù đã phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực, song thực tế trong quá trình triển khai, thành phố đang gặp một số khó khăn, hạn chế, như các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất, cần phân cấp, ủy quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công…

Chính vì vậy, thành phố Hà Nội mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy định phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở, có tính thực tiễn cao sẽ là bước đột phá để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

(Còn nữa)