Nghành nông nghiệp có vai trò rất quan trọng, hằng năm đóng góp khoảng 2% GDP của thành phố. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp còn không ít hạn chế như: sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, lạc hậu, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản phẩm nông nghiệp của các địa phương vẫn gần giống nhau, chưa có đặc trưng từng vùng; tình trạng nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra. Câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao đời sống nông dân vẫn chưa được giải đáp. Do đó, việc đánh giá toàn bộ hiện trạng của ngành nông nghiệp, định hướng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp để Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, sinh thái trải nghiệm; đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao là rất quan trọng.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao, Chương trình số 07 của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025” đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt hơn 70%. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ trên mới đạt khoảng 40%. Để đạt mục tiêu của chương trình, ngành nông nghiệp Thủ đô không còn cách nào khác là đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, để nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao cần có giải pháp từ công tác quy hoạch. Quy hoạch nông nghiệp cần thiết lập không gian phát triển theo hướng xây dựng ba vành đai, bốn khu vực. Cụ thể, vành đai nội đô có bán kính dưới 10 km, vành đai nông nghiệp ven đô có bán kính từ 10 km đến 20 km và vành đai nông nghiệp xa đô thị có bán kính từ 20 km đến 50 km. Bốn khu vực phát triển nông nghiệp gồm vùng nội đô lịch sử xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị để tạo không gian xanh, cảnh quan môi trường và tận dụng giải quyết một phần rác hữu cơ trong đô thị. Khu vực hai là vùng đô thị mở rộng trong vành đai 4, bao gồm cả các huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận, các huyện định hướng phát triển mô hình thành phố trong thành phố tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo hành lang xanh cải thiện môi trường. Khu vực ba là vùng quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và vùng phụ cận phát triển nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, du lịch trải nghiệm. Khu vực bốn gồm các huyện còn lại là vùng sản xuất trọng điểm quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ; kết hợp nông nghiệp công nghệ cao với chế biến, bảo quản nông sản...
Đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho rằng, nông nghiệp của Hà Nội phải khác biệt so với các địa phương khác, cho nên cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái… Nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần giải quyết lao động, thu nhập cho lực lượng lớn dân cư đô thị và ven đô; tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với lĩnh vực thủy lợi, cần làm “sống lại” các dòng sông trên địa bàn thành phố, tạo ra giá trị về cảnh quan và dịch vụ. Khai thác hai bên sông Hồng, phát triển thành các dịch vụ thương mại trên hai bờ sông, nhưng không ảnh hưởng đến dòng chảy. Lâm nghiệp của Hà Nội sẽ là “lá phổi xanh” cho Thủ đô; đồng thời trồng cây lâm nghiệp để mở rộng vùng trồng cây xanh.
Đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng, ngành nông nghiệp cần cơ cấu lại theo hướng phù hợp và là một bộ phận cấu thành, có quan hệ hữu cơ với các ngành, lĩnh vực khác trong quy hoạch Thủ đô. Nông nghiệp phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử trong đó có lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ ■