Đẩy mạnh kết nối các điểm, khu du lịch

Du lịch Hà Nội đang hồi phục mạnh mẽ sau khi chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngành du lịch Thủ đô vẫn còn hạn chế trong liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Hà Nội đang nỗ lực khắc phục điểm yếu này để tăng sức hấp dẫn với khách du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Các thí sinh dự thi Hoa hậu Du lịch Thế giới đang chụp ảnh check-in tại Festival Hoa Mê Linh.
Các thí sinh dự thi Hoa hậu Du lịch Thế giới đang chụp ảnh check-in tại Festival Hoa Mê Linh.

Tính đến hết tháng 11/2022, du lịch Hà Nội đã đón hơn 17 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm. Song, ngành du lịch vẫn còn không ít điểm yếu cần khắc phục trong thời gian tới, nhất là thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đón 25 triệu lượt khách.

Giai đoạn từ giữa năm 2022 đến nay, hầu như mọi hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục hoàn toàn, không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tuy nhiên một số điểm du lịch vẫn còn gặp khó khăn, vẫn loay hoay trong thu hút khách, chưa tạo điểm nhấn về sản phẩm. Một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia đề cập là nhiều điểm tham quan du lịch dù có hạ tầng, cảnh quan, hay các yếu tố lịch sử-văn hóa hấp dẫn, nhưng đây mới là tài nguyên. Để thu hút khách thì cần biến tài nguyên thành những sản phẩm hấp dẫn.

Hiện, Hà Nội có hơn 130 khu, điểm du lịch, trong đó 28 khu, điểm đã được thành phố công nhận là khu, điểm du lịch cấp thành phố. Tuy nhiên, chỉ một số điểm du lịch tạo được sản phẩm hấp dẫn, thí dụ như Hoàng thành Thăng Long với tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” hay tour đạp xe khám phá làng cổ Bát Tràng. Việc xây dựng sản phẩm như thế cần đến sự liên kết, hợp tác giữa đơn vị quản lý điểm đến với doanh nghiệp; hoặc xa hơn là các đơn vị quản lý điểm đến cùng các doanh nghiệp lữ hành cùng tham gia tạo thành sản phẩm quy mô, với chuỗi điểm đến. Để tìm giải pháp cho vấn đề này, mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã cùng đại diện doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý điểm đến tổ chức toạ đàm “Kết nối các khu, điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành đã đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường sự kết nối giữa các bên trong chuỗi kinh tế du lịch. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết: “Hà Nội cần xây dựng các trục du lịch chính. Chẳng hạn thành phố có thể phân định 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Từ trung tâm Hà Nội-Ba Vì-Sơn Tây; nội thành Hà Nội-Đông Anh-Sóc Sơn; tuyến nội thành-Mỹ Đức (chùa Hương)… Thông qua hoạt động này đơn vị lữ hành khai thác có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch học đường, nghỉ dưỡng, cộng đồng…”. Nhiều doanh nghiệp cũng nhất trí với việc kết nối thành tuyến du lịch, với sự tham gia của các bên, thí dụ như các tuyến: Điểm du lịch Dương Xá-Bát Tràng-Ecopark… hoặc kết nối các điểm: Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam-chùa Thầy, chùa Tây Phương…

Về phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định, Sở du lịch tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thu hút và khuyến khích doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách làm, từ việc chỉ đưa khách tham quan những điểm đến quen thuộc, các đơn vị nên quảng bá, giới thiệu những điểm đến mới, xây dựng được những sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Sản phẩm du lịch phải “kể” được những câu chuyện để tạo ra sức hút cho du lịch Hà Nội.

Liên kết luôn là một trong những mắt xích yếu của du lịch nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng. Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý điểm đến đổi mới cách làm, chủ động hơn nữa trong hợp tác xây dựng sản phẩm.