Các tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà giáo và nhà khoa học đến từ Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), Học viện Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương Mại, Đại học Thủy Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ Tiến tiến (Nhật Bản) đã tập trung bàn về vai trò, sự đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn khoa học cơ bản khối các trường kinh tế trong điều kiện tự chủ đại học và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu Đại hội XIII của Đảng về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Nhiều ý kiến đi sâu phân tích, chỉ ra mối tương quan giữa giáo dục trực tuyến và giáo dục trực tiếp; làm rõ những hạn chế của giáo dục trong môi trường số; nhận diện các yêu cầu, định hướng và các giải pháp cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số trong giảng dạy đại học, với 3 nhóm đối tượng liên quan là người dạy, người học và quản lý; trao đổi kinh nghiệm về nội dung và lộ trình trang bị kiến thức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nói chung, trong giảng dạy các môn khoa học cơ bản nói riêng; cách thức đảm bảo đánh giá chính xác tính trung thực của học viên sinh viên trong quá trình học tập, chấm điểm bài thi khi thực hiện trực tuyến.
Toàn cảnh hội thảo. |
Đặc biệt, đa số các ý kiến tại hội thảo đã thống nhất khẳng định: Việc giảng dạy các môn khoa học cơ bản đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn trong sự phát triển khoa học liên ngành nói chung và trong định hướng giảng dạy ở khối các đại học kinh tế nói riêng, trong đó có Học viện Tài chính.
Để phát huy được vai trò của các môn khoa học Cơ bản trong đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số, cần thiết phải: Tạo ra cộng đồng các môn khoa học cơ bản khối các trường kinh tế; tăng cường ứng dụng công nghệ vào các bài giảng; Tạo ra những logic liên kết giữa các môn học, sử dụng các bộ ví dụ, dữ liệu cho đồng thời các môn học; tăng cường dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng các mô hình học máy, học sâu và đa dạng hóa các môn học Khoa học Cơ bản theo các chuyên ngành hẹp nhằm khai thác hiệu quả thông tin trên các tập dữ liệu lớn; Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học liên ngành, xã hội hóa và thu hút doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Tài chính.