Quảng Ngãi đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã tạo ra những thay đổi tích cực, hình thành một hệ thống chặt chẽ tại các cơ sở giáo dục từ công tác giảng dạy, học tập đến quản lý...
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng hạ tầng quốc gia về học tập là mục tiêu mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi hướng tới.
Xây dựng hạ tầng quốc gia về học tập là mục tiêu mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi hướng tới.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng, hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Kết quả chuyển đổi số trong quý I/2023 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi rất đáng ghi nhận. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đạt tỷ lệ cao trong việc đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu ngành và thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điển hình, huyện Tư Nghĩa, với 1.348 trong số 1.474 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến, đạt 91,45%. Số tài khoản định danh điện tử đăng ký tại cơ quan công an hoặc qua app VneID đạt 96,47%. Tỷ lệ thông tin cá nhân học sinh xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hơn 99%...

Về chuyển đổi số trong chuyên môn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; hệ thống quản lý văn bản điều hành eoffice; hệ thống quản trị nhà trường SMAS; hệ thống quản lý thi. Bên cạnh đó, hệ thống trang thông tin điện tử ngành giáo dục liên thông 4 cấp, hồ sơ điện tử (học bạ, sổ điểm); số hóa hồ sơ, tài liệu về giáo dục (hồ sơ học sinh; hồ sơ về văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ về công tác tuyển sinh).

Ngành thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo (cơ sở dữ liệu ngành). Đến cuối năm 2022, hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên được xác thực, đạt tỷ lệ 99,3%; hồ sơ học sinh được xác thực, đạt tỷ lệ 96,5%.

Theo đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chia làm hai giai đoạn với nguồn kinh phí thực hiện hơn 108 tỷ đồng. Đề án xác định mục tiêu cụ thể trong những năm tới là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Mục tiêu đến năm 2030 đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vào môi trường số. Trong đó, hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số, hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái, chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, nghiên cứu bước đầu gặt hái những thành công. Thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.