Tự chủ đại học là giải pháp quan trọng trong đổi mới toàn diện giáo dục đại học

NDO - Chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần phân bổ thêm cho đầu tư giáo dục đại học 300 triệu USD/năm cho đến năm 2030; đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học 117 triệu USD/năm cho đến năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo.
Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo.

Ngày 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chứcHội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng gần 300 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tự chủ đại học là một chủ trương lớn, được coi là chính sách, giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có tác động tích cực tới hệ thống giáo dục đại học trong thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; giúp cải thiện, đổi mới hệ thống giáo dục đại học và đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc triển khai tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mức đầu tư công cho giáo dục đại học còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học mới chỉ đạt khoảng 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, phương thức và định mức phân bổ nguồn lực công cũng có nhiều bất cập, thiếu trọng tâm, trọng điểm, dựa chủ yếu trên các định mức truyền thống mà không căn cứ vào kết quả hoạt động dẫn đến dàn trải, không hiệu quả.

Mức chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học nhìn chung còn thấp. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích cho hoạt động hợp tác đối tác công-tư trong giáo dục đại học, cũng như chính sách về học bổng, tín dụng sinh viên có độ phủ thấp, giá trị chưa đủ cao.

Tự chủ đại học là giải pháp quan trọng trong đổi mới toàn diện giáo dục đại học ảnh 1

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh đòi hỏi tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng thì “tự chủ đại học là một xu thế và là giải pháp quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học”.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, tự chủ đại học hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đáp ứng nhu cầu giai đoạn mới về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đề cập đến tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam, ông Christophe Lemiere, Trưởng Ban Phát triển con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, mức phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường đại học còn thấp. Sự phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các đại học, trường đại học ở mức thấp và sử dụng hiệu quả chưa cao...

Ông Christophe Lemiere khuyến nghị, Việt Nam cần phân bổ thêm 300 triệu USD/năm cho đầu tư giáo dục đến năm 2030; đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học 117 triệu USD/năm cho đến năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cần tránh đồng nhất tự chủ tài chính với tự lực cánh sinh về tài chính, hoặc hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị cần điều chỉnh luật, quy định, chính sách liên quan tới tự chủ tài chính của giáo dục đại học. Tăng đầu tư với tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học nâng từ mức khoảng 0,23% (Báo cáo phân tích Ngành giáo dục Việt Nam 2011-2020) lên ít nhất 0,8%-1% GDP trước năm 2030 nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học để bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường...