Khơi thông các nguồn lực để tự chủ đại học đi vào thực chất

Năm học 2022-2023, giáo dục đại học đã thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tiếp nhận thí sinh đến làm thủ tục nhập học. (Ảnh NHẬT THỊNH).
Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tiếp nhận thí sinh đến làm thủ tục nhập học. (Ảnh NHẬT THỊNH).

Tăng chỉ số quốc tế

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm học 2022-2023, ngành giáo dục tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đại học. Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cụ thể hóa và nâng cao vai trò của hội đồng trường trong tổ chức quản trị hoạt động. Ðến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hội đồng trường và đi vào hoạt động.

Công tác tuyển sinh của các trường đại học đạt nhiều kết quả và chuyển biến khả quan, năm 2022 tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 84,56%; năm 2023, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống tăng 7,9% so với 2022; chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và được ghi nhận; số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng.

Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài. Ðáng chú ý, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE; 5 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities). Tại bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới. Ngoài ra, có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong QS AUR 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, giáo dục đại học cũng gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ.

Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu. Công tác tuyển sinh vẫn có các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học tương đối nhỏ lẻ, tản mát, chưa có đóng góp nổi bật…

Gỡ vướng từ cơ chế

Ðể khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội Nguyễn Ðình Tú cho rằng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần quan tâm hỗ trợ các trường trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là các chính sách về tài chính đi kèm. Cần sửa một số quy định không còn phù hợp, cản trở quá trình tự chủ đại học.

Phó Giám đốc Ðại học Ðà Nẵng Lê Quang Sơn kiến nghị, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan để hoàn thiện, điều chỉnh luật, quy định liên quan những khó khăn gặp phải khi thực hiện tự chủ đại học; tạo cơ chế phối hợp giữa các trường đại học với các bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cân nhắc lộ trình kiểm định chương trình đào tạo một cách hợp lý.

Giám đốc Ðại học Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng cho rằng, trong tuyển sinh: Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần tạo cơ chế khuyến khích người học vào học các ngành khó thu hút nhưng quan trọng với sự phát triển của đất nước. Thực hiện quyết liệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, có cơ sở đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các cơ sở giáo dục đại học ngang tầm quốc tế; thí điểm mô hình đại học số…

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu nhằm hoạt động tự chủ hiệu quả. Các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024 và định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng lớn, thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, cho thấy hệ thống giáo dục đại học có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả.

Năm học 2023-2024, giáo dục đại học sẽ tập trung vào bốn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy…