Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là khu vực nhà ga Bến Thành

NDO - Sau hơn 7 năm rào chắn thi công xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành công tác tái lập mặt bằng, tháo dỡ rào chắn và bàn giao 8.000m2 mặt bằng Công viên 23/9 cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là hạng mục Giếng trời lấy sáng (toplight), thuộc khu vực nhà ga Trung tâm Bến Thành.
Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là hạng mục Giếng trời lấy sáng (toplight), thuộc khu vực nhà ga Trung tâm Bến Thành.

Đây là khu vực thi công nhà ga Bến Thành, nhà ga ngầm của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, cũng là nhà ga Trung tâm phục vụ cho các tuyến metro đang và sẽ xây dựng theo quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, một trong những điểm nhấn kiến trúc nổi bật đặc biệt, mang ý nghĩa biểu tượng cho nhà ga Bến Thành nói riêng và Tuyến metro số 1 (Bến thành-Suối Tiên) nói chung là hạng mục Giếng trời lấy sáng (toplight) đã lắp đặt, hoàn thành toàn bộ phần kiến trúc mặt ngoài và bàn giao cho thành phố trong dịp này.

Giếng trời lấy sáng (Toplight) được thiết kế với hình ảnh hoa sen cách điệu (cấu tạo bởi 2 vật liệu chính: kính cách nhiệt và tấm nhôm tổ ong), các vật liệu này được lựa chọn và nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản có khả năng chống chịu thời tiết tốt cũng như cách âm, cách nhiệt vượt trội. Giếng trời lấy sáng còn là công trình điểm nhấn, có chức năng chính cung cấp ánh sáng và thông gió cho khu vực phía dưới nhà ga ngầm.

Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là khu vực nhà ga Bến Thành ảnh 1

Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là hạng mục Giếng trời lấy sáng (toplight), thuộc khu vực nhà ga Trung tâm Bến Thành.

Với thiết kế tường kính bao bọc chung quanh tạo nên không gian mở cho công trình, giúp cho hành khách đi metro có thể nhìn trực diện qua chợ Bến Thành, hoặc du khách bên trên có thể nhìn ngắm các hoạt động nhà ga bên dưới. Đây là điểm hẹn thú vị, mới mẻ để người dân, du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh vui chơi, check-in.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 1 (Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc hoàn trả, bàn giao mặt bằng sớm hơn 2 tuần so thời gian đăng ký là 30/4/2023 là nỗ lực của chủ đầu tư cũng như nhà thầu, nhằm chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2023).

Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ tích cực phối hợp với nhà thầu Sumitomo Mitsui-Cienco 4 đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành toàn bộ nhà ga Trung tâm Bến Thành nhân dịp chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 năm nay.

Việc bàn giao những đoạn mặt bằng (hoàn trả công viên 23/9, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực giếng trời lấy sáng…) đánh dấu những tín hiệu xây dựng cuối cùng của nhà ga Trung tâm Bến Thành.

Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là khu vực nhà ga Bến Thành ảnh 2

Chủ đầu tư bàn giao mặt bằng (hoàn trả Công viên 23/9, vòng xoay Quách Thị Trang), tạo không gian thoáng đãng sau 7 năm rào chắn thi công công trình.

Hiện nay, tiến độ nhà ga Bến Thành đạt 99,41%, trong đó phần kết cấu đã hoàn thiện 100%. Nhà thầu Sumitomo Mitsui - Cienco 4 đang tập trung các hạng mục hoàn thiện còn lại (thuộc phần kiến trúc và cơ điện) như: ốp lát gạch, đá granite tầng chờ hành khách, sơn chống thấm, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp điện, thông gió nhà ga...

Sinh sống gần khu vực Công viên 23/9, ông Nguyễn Thế Cẩm (79 tuổi, ngụ phường Bến Thành, quận 1) rất vui mừng và phấn khởi khi một phần diện tích rộng lớn tại đây đã được tháo dỡ rào chắn, nhất là công viên đã “lộ diện” trở lại đón người dân đến đi bộ, thư giãn. Bởi trước đó, khu vực này bị rào lại để phục vụ cho việc xây dựng nhà ga Bến Thành một thời gian rất dài.

Theo ông Cẩm, việc rào chắn khu vực này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân chung quanh. Người dân cũng hạn chế nơi tập thể dục, vui chơi giải trí một thời gian rất lâu. “Dỡ được phần nào thì dân mừng phần đó. Sau khi tháo dỡ rào chắn ra đường phố thông thoáng, mỹ quan đẹp hẳn. Tháo dỡ trong dịp lễ 30/4 thì càng ý nghĩa hơn nữa”, ông Cẩm phấn khởi chia sẻ.

Dấu ấn biểu tượng của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là khu vực nhà ga Bến Thành ảnh 3

Người dân và du khách đã cảm thấy thỏa mái hơn khi đi bộ trước Công viên 23/9, tạo mỹ quan ở khu vực Trung tâm quận 1, thu hút du khách tham quan.

Tiếp nối sự kiện này, Ban Quản lý Đường sắt đô thị sẽ tổ chức chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 đoạn trên cao từ Ga Bến xe Suối Tiên đến Ga An Phú vào ngày 26/4). Lộ trình chạy thử nghiệm như sau: từ Ga Bến xe Suối Tiên, đi qua Ga Đại học Quốc Gia đến Ga Khu Công nghệ cao, Ga Thủ Đức, Ga Bình Thái, Ga Phước Long, Ga Rạch Chiếc và kết thúc ở Ga An Phú.

Trước đó, tháng 12/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho lăn bánh chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), đoạn dài gần 9km, bắt đầu từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái (Thành phố Thủ Đức).

Tiến độ thi công toàn dự án metro Bến Thành-Suối Tiên đạt khoảng 95%, trong đó:
+ Gói thầu CP1a (Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố): 99,46%.
+ Gói thầu CP1b (Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son): 99,73%
+ Gói thầu CP2 (Xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương): 97,34%.
+ Gói thầu CP3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng): 88,45%.