Đất “Thành đồng” vươn lên

Đi lên từ sau chiến tranh đổ nát, cuộc sống của người dân thôn Linh Cang (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đang đổi thay từng ngày. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng vạt rừng, thế núi cùng thế trận lòng dân một lòng kiên trung xứng danh với hai chữ “Thành đồng”.
0:00 / 0:00
0:00

Ký ức dưới những rừng cây

Đầu tháng 11/1945, Đảng bộ huyện Thăng Bình được thành lập. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm đóng chân, nhận thấy vị trí chiến lược của thôn Linh Cang phù hợp cho cách mạng của ta, dễ kết nối với huyện Tiên Phước kế bên, tháng 2/1964, cơ quan Huyện ủy Thăng Bình quyết định dời về Linh Cang để hoạt động lâu dài. Ông Lê Văn Hoạch, trú thôn Phước Hà, xã Bình Phú đã xung phong tham gia vào đội du kích ngay khi Huyện ủy về đây, khi đó ông vừa tròn 15 tuổi.

“Ngày tôi còn nhỏ, ở vùng này quá khổ. Thanh niên 14, 15 tuổi đều được huấn luyện để vào đội du kích. Đến năm 1966, phong trào cách mạng của ta đi lên rất mạnh. Do chênh lệch lực lượng giữa ta với địch quá lớn, quân ta phải đánh địch theo kiểu vừa đánh vừa học. Tinh thần của quân ta là phải thắng. Kiên trì suốt 11 năm thì vùng này được giải phóng. Thực sự không dễ gì để có được chiến thắng như vậy. Chúng tôi gia nhập đội du kích có tổng 74 người, đến khi về chỉ còn bốn người”, ông Hoạch nói.

Nhớ lại những đồng đội từng vào sinh ra tử với mình, ông Hoạch luôn tự hào về sự quả cảm, ý chí sẵn sàng vì nước vì dân của họ. Tinh thần các chiến sĩ thời ấy thêm phần vững vàng khi họ hiểu rõ những lợi thế từng địa hình, từng cánh rừng có thể giúp quân ta ẩn mình, dễ dàng tiêu diệt kẻ thù.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thôn Linh Cang có hơn 730 người dân và chiến sĩ đã chết, hy sinh. Cùng với đó, có 33 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong và truy tặng, 92 gia đình liệt sĩ, 75 gia đình có công với cách mạng và một Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Sau ngày giải phóng, người dân trở về nơi ở cũ khôi phục lại kinh tế, đời sống. Nhìn đâu cũng thấy dấu tích bom đạn của kẻ thù, trong đó có cả những quả bom chưa nổ đang vùi dưới đất đá. Cả thôn cùng tham gia cuốc từng mảnh ruộng, lấp những hố bom. Hạt gạo, củ khoai từ đó mọc lên. “Từ chỗ cái ăn đã bảo đảm, chính quyền và bà con nhân dân chúng tôi cùng xác định rõ rằng, cần xây dựng lại nền giáo dục cho lớp trẻ. Không có sự phát triển của văn hóa là không được. Phải khẳng định rằng, nghĩa đất tình quê đã luôn tồn tại. Đó là điểm tựa vững chắc cho quê hương phát triển”, ông Hoạch nhớ lại.

Từ sự thống nhất đó, cây gỗ, tre trúc trên rừng được thanh niên chặt mang về dựng trường học. Thầy cô ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng được mời về thôn đứng lớp dạy đám trẻ. Công tác khuyến học khuyến tài luôn là mối quan tâm hàng đầu của địa phương, xem đó là mục tiêu xuyên suốt, lâu dài. Từ năm 2018 đến nay, Hội Khuyến học huyện Thăng Bình kết nghĩa với thôn Linh Cang, duy trì hỗ trợ, động viên học sinh vươn lên tìm tri thức.

Nét chân quê mộc mạc

Trong ca khúc dân ca bài chòi “Bình Phú yêu thương” của tác giả Hồ Thanh Hải có đoạn: “Gió lộng đường quê chiều buông nắng/ Thẳng lối ta về thăm Bình Phú mến yêu/ Hồ Phước Hà lấp lánh dưới nắng chiều/ Dòng nước mát thấm tình yêu đất mẹ/ Quê hương đó là chiếc nôi cách mạng/ Mảnh đất kiên gan anh dũng ngoan cường/ … Linh Cang điện sáng lung linh/ Hà Châu khởi sắc quê mình đẹp thay/ Núi đồi du khách đắm say/ Nắng trưa lộng gió mây bay chiều tà/ Bao năm xa cách quê nhà/ Hôm nay trở lại như là giấc mơ/. Tất cả như một lời tâm tình từ sâu thẳm những ký ức của tác giả về sự phát triển của Bình Phú.

Theo lời của cựu chiến binh Lê Văn Hoạch, công trình thủy lợi đập Phước Hà đã giúp quê hương Linh Cang, Bình Phú thay diện mạo mới như ngày hôm nay. Đập Phước Hà được xây dựng vào năm 1977, với đặc điểm nửa năm cạn, nửa năm đầy, đây là nguồn cung cấp nước tưới cho nông nghiệp xã Bình Phú cùng một phần xã Bình Định (Thăng Bình). Từ khi có dòng nước mát, mỗi năm nhà nông trồng đều đặn hai vụ lúa. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản dưới lòng hồ là một mảnh ghép cho nét đẹp miền trung du này. Theo đó, người dân sống quanh đập được tham gia đấu thầu 5 năm/lần để thả cá dưới lòng đập.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế và môi trường tự nhiên của đập Phước Hà, ông Nguyễn Vỹ đã chọn khu vực ven đập này để khai hoang, làm ăn kinh tế. 25 năm sinh sống, gắn bó với rừng cao-su, cây lúa, ông Vỹ chứng kiến sự đổi thay từ hệ thống cây rừng đến đường sá xung quanh bờ đập. Những tán rừng từng bị bỏ hoang, rải rác là những đàn bò, trâu đi kiếm ăn thì hiện tại được khai phá, trồng cây keo mang lại nguồn thu ổn định. Số lượng trâu, bò còn lại được tập trung, không còn thả rông. Mới ngày nào con đường vòng quanh đập Phước Hà đi lên huyện Tiên Phước gồ ghề, hiện nay đã khang trang, được bê-tông hóa.

“Lòng đập Phước Hà khi cạn sẽ lộ ra bãi cỏ để bà con thả trâu bò. Khi dâng lên, mép nước lên sát ngõ nhà tôi, anh em trong xóm rủ nhau bơi ghe đi đánh lưới. Từ giữa đập nhìn ra xung quanh rất đẹp, mát mẻ. Nguồn nước đập phù hợp cho cá mè, cá gáy, cá lúi sinh sống. Giống cá lúi có kích thước nhỏ chỉ hai ngón tay nhưng đó là đặc sản ngon nhất ở đập này”, ông Vỹ hứng khởi.

Cảnh quan xóm làng ở Linh Cang ngày càng phát triển, khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm đáp ứng mọi điều kiện sống của người dân. Có những gia đình sửa soạn tường rào cổng ngõ chỉn chu, mở ra không gian miền trung du văn minh, giàu đẹp. Linh Cang một thời máu lửa, nghĩa tình ở mảnh đất này được tạo thành từ những gam màu gần gũi, chân quê nhất.