Nhiều mô hình gây quỹ
Đầu năm 2022, thấy mảnh đất rộng 2 sào của một hội viên chưa sử dụng đến, chi hội đã xin mượn để trồng măng tre điền trúc bán gây quỹ. Được thôn cho mượn máy cày để làm đất, hỗ trợ giống cây, các chị em đã tiến hành trồng 80 gốc măng trên diện tích khoảng 1.000m2. Mỗi cuối tuần, các chị lại thay nhau phát dọn, bón phân, chăm sóc măng.
Sau thời gian trồng thử, vườn măng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, bán được gần 4 triệu đồng. Dự kiến trong hai tháng tới, sẽ thu hoạch măng vụ thứ 2. Chị em tin tưởng rằng, năm nay sẽ đạt sản lượng tốt hơn, nếu giá cao, 1 sào thu về 3 triệu đến 4 triệu đồng. Măng được thương lái đến thu mua, nên các chị cũng không mất công thu hoạch đi bán.
Tiếp tục nhân rộng mô hình, chi hội tận dụng gần 4 sào đất ruộng bỏ không của một số hộ trong thôn để trồng lúa. Nhờ sự hỗ trợ từ thôn với việc cày ải đất và giống lúa, chị em đã cùng “xuống ruộng” thực hiện gieo sạ, chăm sóc và thu hoạch bằng máy. Vụ hè thu đầu tiên đã giúp chi hội có được 4 triệu đồng gây quỹ hoạt động.
Chị Nguyễn Thị Diệu (41 tuổi), hội viên Chi hội Phụ nữ thôn chia sẻ: “Các hoạt động của chi hội đưa ra, chúng tôi sẵn sàng tham gia, không nề hà, lại tạo cho phong trào phụ nữ tốt hơn và góp phần giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác trong thôn cho nên chúng tôi rất nhiệt tình”.
Đây là hai trong nhiều mô hình được Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành duy trì nhằm gây quỹ hoạt động trong năm. Cùng với nhiều hoạt động khác trong năm 2022 đã thu về gần 100 triệu đồng gây quỹ hoạt động. Qua đó, chi hội đã sử dụng tặng quà cho các em con hộ nghèo vượt khó, trao sinh kế cho phụ nữ nghèo, nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu một cháu mồ côi; tổ chức đám giỗ liệt sĩ...
Chia sẻ cùng vượt khó
Nhằm giúp hội viên Chi hội Phụ nữ thôn có thêm điều kiện tăng thu nhập, chi hội đã xây dựng tổ phụ nữ làm cây keo lá tràm với 15 chị tham gia. Trong thôn hoặc liên thôn, khi có hộ cần người đến chăm sóc keo, chi hội sẽ nhận về để các chị đến làm, nhờ vậy đã giúp hội viên có thêm thu nhập bên cạnh làm nông.
Trung bình mỗi chị có được 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng từ việc chăm sóc cây keo. Chi hội đã giúp được hội viên phụ nữ thoát nghèo nhờ làm kinh tế. Gia đình chị Đặng Thị Bé (sinh năm 1983) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Chồng làm thợ nề, chị làm công nhân nuôi ba con nhỏ ăn học. Nhận thấy hoàn cảnh như vậy, chi hội đã tư vấn, đề nghị chị thay đổi mô hình chăn nuôi, để vừa có thể phát triển kinh tế, cũng không cần đi xa để làm việc.
Được Chi hội Phụ nữ thôn thế chấp cho vay 50 triệu đồng làm vốn, chị Bé đã sửa sang trang trại, mua gà giống, heo giống. Từ một ít heo giống, chị chăm lớn bán rồi nhân rộng dần đàn heo của mình. Chị sử dụng đất đồi của gia đình làm trang trại rộng 3.500m2, vị trí xa dân cư nên thuận lợi việc nuôi heo, gà. Chị Bé nuôi gối đầu liên tục, với khoảng 50 con heo ở đủ các tháng tuổi, cứ hai tháng xuất 10 con, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. “Trước đây tôi đi làm công nhân, gia đình cứ thiếu trước, hụt sau mãi. Nhờ các chị em phụ nữ tư vấn, nên đã mạnh dạn thay đổi làm ăn, ổn định và thoát nghèo”, chị Bé chia sẻ.
Chị Thái Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành cho biết: “Có được kết quả này đều nhờ vào nỗ lực chung của toàn thể chị em hội viên. Làm được đã khó, nên có rồi thì mình quyết tâm để giữ vững. Chị em quan niệm rằng, mình giúp được bao nhiêu thì giúp, làm được cái gì thì mình làm thôi”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong, Nguyễn Thị Thương cho biết: “Các mô hình của Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành luôn đổi mới, dựa trên tình hình thực tế của thôn, đã phát huy được thế mạnh và thực lực của chị em hội viên. Vì vậy, không chỉ đạt được hiệu quả, mà còn mang đến không khí sôi động, gắn kết tình nghĩa chị em, tình làng nghĩa xóm trong thôn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của phụ nữ toàn xã”.