Đắk Lắk chuẩn bị mọi phương án ứng phó bão Noru

NDO - Nhằm chủ động ứng phó bão số 4 (bão Noru), dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền trung và Tây Nguyên chiều tối nay, 27/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Văn bản 8161/UBND-NNMT chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh chuẩn bị mọi phương án chủ động ứng phó với mưa bão.
0:00 / 0:00
0:00
Vào lúc 15 giờ 50 phút ngày 27/9, thời tiết ở Đắk Lắk nhiều mây nhưng chưa có mưa.
Vào lúc 15 giờ 50 phút ngày 27/9, thời tiết ở Đắk Lắk nhiều mây nhưng chưa có mưa.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, thời tiết trên địa bàn Đắk Lắk từ chiều tối 27 đến sáng 29/9 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trọng tâm mưa lớn tập trung ở các huyện: Ea H’leo, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ.

Cụ thể, khu vực các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 200mm; khu vực các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pắc, Ea Kar và thành phố Buôn Ma Thuột phổ biến từ 60-120mm, có nơi trên 150mm; khu vực các huyện phía Đông Nam của tỉnh gồm: M’Drắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Lắk lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Thực hiện Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022, để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn sẵn sàng triển khai phương án ứng phó mưa lớn, ngập lụt; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, sạt lở, xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là vùng ven sông, vùng nguy cơ ngập cao, vùng bị sạt lở để chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn; đồng thời, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo vệ người dân, công trình trọng điểm, xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị để sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lực lượng, huy động lực lượng xung kích tại cơ sở; kiểm tra, rà soát các nhà ở của người dân không an toàn hỗ trợ chằng chống, gia cố trụ sở làm việc, kho tàng, trường học, trạm y tế, trụ ăng ten, tháp viễn thông, pa nô, bảng hiệu, hệ thống lưới điện; khẩn trương chặt tỉa cành cây để bảo đảm an toàn; có phương án phân luồng, hướng dẫn, kiểm soát giao thông ở các khu vực bị ngập sâu, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính của địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã khẩn trương kiểm tra, có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn; theo dõi sát tình hình mưa lũ, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước hồ đối với các công trình xung yếu, có nguy cơ mất an toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó mưa lũ.

Sở Giao thông vận tải phối hợp các địa phương trong tỉnh chủ động sẵn sàng để khắc phục nhanh các sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt khi có tình huống xảy ra.

Đắk Lắk chuẩn bị mọi phương án ứng phó bão Noru ảnh 1

Người dân Lắk chủ động các phương án phòng, chống bão lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn; chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, các địa phương theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ, chủ động điều tiết hạ thấp cao trình đón lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi.

Sở Công thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hệ thống điện, dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm theo phương án đã phê duyệt; chỉ đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và các chủ quản lý hồ chứa thủy điện vận hành hồ đập thủy điện đảm bảo an toàn, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để thông tin kịp thời bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

Trong các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk thì huyện M’Drắk nằm giáp với 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nên có khả năng có mưa lớn trên diện rộng; nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng ở vùng trũng, thấp. Đặc biệt là khu vực các thôn 9, 10 và thôn 11 xã Cư San thuộc dự án Hồ thủy lợi Krông Pách thượng đang thi công xây dựng. Ở khu vực lòng hồ công trình thủy lợi này vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa được di dời đến nơi tái định cư. Do đó, khi xảy ra mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất sẽ hết sức nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ an toàn về người và tài sản, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trong ngày 27/9 Ủy ban nhân dân huyện M’Drắk đã cử gần 100 người của các lực lượng nòng cốt phòng, chống lụt bão phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh và xã Cư San triển khai xuống khu vực lòng hồ khẩn trương rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án di dời dân và tài sản trong tình trạng khẩn cấp với phương châm “4 tại chỗ” và thực hiện di dời hộ dân ở vùng thấp về nơi vùng cao an toàn; phân công lực lượng trực gác, cảnh báo dân ở các khu vực xung yếu, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão Noru, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị thuộc Tổng Công ty Phát điện 3-EVNGENCO3) đã triển khai các phương án để bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du chủ động ứng phó các tình huống xảy ra.

Trên lưu vực sông Srêpôk, ngoài các công trình thủy điện nhỏ khác, có 3 công trình thủy điện lớn là Srêpôk 3, Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý, vận hành với tổng công suất 586 MW. Riêng Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp có công suất 280 MW, dung tích hồ chứa 14 triệu m3, vận hành điều tiết theo ngày.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, trong thời gian qua, lưu vực các hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 hàng ngày đã xuất hiện mưa nhỏ đến mưa vừa, lưu lượng về hồ lớn hơn lưu lượng chạy máy. Theo đó, hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 phải tiến hành điều tiết xả tràn từ nửa đầu tháng 9 đến nay, để bảo đảm mực nước theo quy định. Đối với hồ Buôn Tua Srah, mực nước hồ chứa hiện đạt cao trình 486,0 m, thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,5m. Dự báo trong những ngày tới do ảnh hưởng số 4, từ ngày 27 đến ngày 29/9 lưu vực các hồ chứa có mưa vừa đến mưa to, phổ biến 50-120mm/đợt, có nơi hơn 150mm/đợt.

Để ứng phó mưa lũ, đối với hồ chứa Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Srêpôk 3, Công ty dự kiến tiếp tục vận hành điều tiết xả tràn với tổng lưu lượng xả về hạ du tương đương với lưu lượng đến hồ. Đối với hồ Buôn Tua Srah dự kiến mực nước hồ đạt mực nước cao nhất trước lũ trong vòng 4-5 ngày tới, khi đó hồ sẽ phải tiến hành điều tiết xả tràn để bảo đảm mực nước theo quy định. Trước khi thực hiện, Công ty sẽ thực hiện chế độ thông tin thông báo theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa, Quy trình vận hành hồ chứa. Khi hồ Buôn Tua Srah điều tiết qua tràn, thì các hồ chứa Buôn Kuốp và Srêpôk 3 điều tiết qua tràn với lưu lượng tăng tương ứng.

Cũng theo ông Nguyễn Đức, đến thời điểm này, đơn vị đã lắp đặt 23 trạm cảnh báo xa dùng sóng di động ở vùng hạ du, trong đó vùng hạ du Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah 13 trạm, Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp 9 trạm nhằm thông báo đến chính quyền và nhân dân vùng hạ du khi 2 Nhà máy thủy điện này chạy máy phát điện cũng như vận hành điều tiết lũ để nhân nhân vùng hạ du chủ động nắm bắt kịp thời. Công ty cũng đã thành lập các nhóm Zalo cho 3 hồ chứa để thông báo, trao đổi và cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng giữa các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó với mưa lũ.