Đa dạng kênh tiêu thụ trái cây

Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả ở khu vực phía bắc đang và sắp vào vụ thu hoạch như: Xoài, vải, chanh leo, chuối, nhãn... Với sản lượng dự kiến hàng trăm nghìn tấn, việc tìm các phương án tiêu thụ trái cây rất được các bộ, ngành, địa phương quan tâm. Trong đó, các phương án như: Đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu… đang được thực hiện nhằm tạo điều kiện để việc tiêu thụ thuận lợi, giúp bảo đảm thu nhập cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart tư vấn, giới thiệu trái cây Sơn La trên gian hàng số.
Nhân viên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart tư vấn, giới thiệu trái cây Sơn La trên gian hàng số.

Theo thống kê, hiện nay các địa phương phía bắc trồng khoảng 450 nghìn ha cây ăn quả với sản lượng ước 5,5 triệu tấn/năm. Trong đó, cây vải ở hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương có diện tích hơn 38 nghìn ha, sản lượng khoảng 245 nghìn tấn.

Năm 2023, tỉnh Sơn La trồng hơn 84.700 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả dự kiến đạt gần 452.000 tấn. Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn, như: Chuối 55.000 tấn, mận gần 90.000 tấn, xoài 81.000 tấn, nhãn 139.000 tấn.

Hiện Sơn La có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… diện tích hơn 4.600ha với những loại cây ăn quả xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc-ca, sản lượng 46.000 tấn và có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu…

Để bảo đảm các hoạt động tiêu thụ, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều phương án nhằm kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với mục tiêu xuất khẩu, tiêu thụ hơn 18.700 tấn quả các loại, giá trị ước đạt hơn 25,2 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực nông nghiệp và được xác định là một trong những khâu đột phá. Sơn La cũng gửi các thông tin về diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch; danh mục các sản phẩm nông sản để đề nghị các bộ, ngành và các địa phương hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Tỉnh đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso… tổ chức hội nghị tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm của tỉnh qua “Gian hàng Việt trực tuyến”; triển khai các sự kiện về nông sản trên gian hàng Việt tại sàn thương mại điện tử Sendo…

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa người dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó, tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi; tích cực mở rộng, phát triển các thị trường xuất khẩu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), niên vụ vải 2023 được đánh giá là một năm được mùa và giá bán vải sớm cũng đạt mức cao, có thời điểm hơn 90 nghìn đồng/kg. Hiện nay, toàn huyện có diện tích trồng vải là 3.265ha, trong đó khoảng 500ha được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP.

Đến nay, trên địa bàn có có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà Hoàng Thị Thúy Hà cho biết: “Nhằm bảo đảm tiêu thụ quả vải tươi trong niên vụ này, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền về đặc tính, ưu điểm nổi trội của quả vải thiều Thanh Hà; các quy định trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý, quy định sản xuất bảo đảm vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; thông tin đến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu các quy định bảo đảm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó, huyện xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn trong nước; tập trung phối hợp tiêu thụ vải tại các trung tâm, siêu thị lớn ở các địa phương; tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội… Đến ngày 13/6, trà vải sớm đã cơ bản thu hoạch xong, trà chính vụ thu hoạch được hơn 40% diện tích, trong đó, 50% sản lượng vải được xuất khẩu sang nước ngoài”.

Đa dạng kênh tiêu thụ trái cây ảnh 1

Người dân tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) bán vải cho các cơ sở thu mua để xuất khẩu. (Ảnh TTXVN)

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có diện tích trồng vải khoảng 29.700ha, dự kiến niên vụ vải này sản lượng đạt khoảng 180 nghìn tấn. Theo Sở Công thương tỉnh, sản lượng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia dự kiến sẽ tăng. Cụ thể, tỉnh dự kiến xuất khẩu khoảng 96 nghìn tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu tập trung chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…

Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ. Bước đầu các doanh nghiệp đã ký cam kết xuất khẩu khoảng 1.500 tấn vải thiều vào thị trường Mỹ. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức quảng bá hàng nông sản tại hội chợ hàng hóa Trung Quốc-Việt Nam được tổ chức tại Bằng Tường (Trung Quốc).

Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), với diện tích trồng vải hơn 17 nghìn ha, sản lượng đạt 98 nghìn tấn, ngay từ tháng 3, huyện chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mời gọi thương nhân Trung Quốc đến địa bàn tìm hiểu, liên kết.

Ủy ban nhân dân huyện cũng thành lập đoàn công tác làm việc với một số đơn vị, địa phương nhằm kết nối tiêu thụ vải thiều tại chợ đầu mối, cửa khẩu ở các tỉnh phía nam. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết: “Năm 2022, riêng chợ đầu mối Thủ Đức tiêu thụ gần 21 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn, chiếm hơn 20% sản lượng. Việc chủ động kết nối với các chợ đầu mối lớn khu vực phía nam hứa hẹn sẽ giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ vải thiều ở khu vực này.

Các vùng trồng mới được cấp mã số vùng trồng; cán bộ chuyên môn của xã, huyện thường xuyên hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và EU”.

Trong khi đó, huyện Mai Sơn là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Sơn La với hơn 11.000ha, sản lượng ước năm nay đạt hơn 90.000 tấn.

Ngay từ đầu năm 2023, huyện tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đồng bộ và quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản chủ lực; đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các hộ dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp tốt và đặc biệt là sản xuất theo chuỗi liên kết.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Tiến Đĩnh.

Tại huyện Mường La, nông dân đang tập trung chăm sóc các loại cây ăn quả, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Năm 2023, huyện phấn đấu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc khoảng 3.000 tấn quả tươi gồm nhãn, xoài, chuối. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; chú trọng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, bảo quản; khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ…