Đa dạng hóa nguồn thu kinh tế báo

Tại phiên thảo luận về đa dạng nguồn thu của các cơ quan báo chí trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thay đổi nội dung, hình thức tiếp cận nhu cầu thông tin độc giả.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm đa dạng hóa nguồn thu kinh tế báo tại Hội báo toàn quốc 2024. (Ảnh THẾ ANH)
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm đa dạng hóa nguồn thu kinh tế báo tại Hội báo toàn quốc 2024. (Ảnh THẾ ANH)

Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng cho biết: Hiện có năm nguồn thu chính của cơ quan báo chí là quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết và quảng cáo điện tử.

Tuy nhiên, nguồn thu chính của báo chí Việt Nam vẫn từ doanh thu phát hành báo in và quảng cáo nhưng cả hai nguồn thu này đều đang có xu hướng giảm. Tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: Nguồn thu báo chí đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí.

Nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện nguy cơ sụt giảm doanh thu. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả khác mà không qua báo chí. Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.

Ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: Thời gian gần đây, thói quen người đọc thay đổi, làm cho cơ cấu nguồn thu của Báo Tuổi Trẻ thay đổi, nguồn thu từ quảng cáo báo giấy sụt giảm mạnh. Trước đây, 75% là nguồn thu từ bán báo và quảng cáo trên báo giấy, bây giờ đảo lại 75% nguồn thu đến từ các nền tảng số. Tuy nhiên, nguồn thu từ điện tử vẫn chưa thể bù đắp được mức giảm. Tương tự, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết: Hầu hết các cơ quan báo chí đều phải đối mặt thực tế là “khó khăn chồng lên khó khăn” từ việc sụt giảm nguồn thu. Tuy nhiên, sự đi xuống của báo in và các cơ quan báo chí khi đã gần tới đáy, thì theo quy luật, sẽ có sự trở lại.

Theo nhận định của những người đứng đầu đơn vị báo chí, các báo hiện nay cần phải đầu tư tốt nội dung, thỏa mãn nhu cầu thông tin của người đọc. Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc làm tốt nội dung, các đơn vị báo chí cần mở rộng hoạt động khác để tăng nguồn thu như: Hội thảo, tọa đàm (những hội thảo chuyên sâu, hội thảo quốc tế), phát hành sách. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho rằng: Để tăng nguồn thu, báo phải thực hiện nội dung tốt, nhân văn, tin cậy, từ đó đã thu hút bạn đọc, doanh nghiệp. Ngoài ra, báo cần từng bước tổ chức các sự kiện nhỏ đến lớn một cách chuyên nghiệp.

Chủ trương của Báo Người Lao Động là không phải bán tin tức mà bán những thông tin có hàm lượng chất xám cao hơn. Ông Trần Xuân Toàn cho biết: Để thích ứng tình hình mới, Báo Tuổi Trẻ buộc phải thay đổi, đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên. Báo cũng phải xoay xở vừa đặt mục tiêu giảm đà sụt giảm trên báo giấy; đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.

Theo đó, Báo Tuổi Trẻ chia khách hàng làm ba nhóm: Độc giả đọc báo hằng ngày, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Trong đó, tập trung chăm sóc lớn nhất là nhóm khách hàng độc giả, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua online. Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, báo cố gắng để họ thấy được sản phẩm dịch vụ của họ chia sẻ trên tờ báo sẽ tiếp cận được tệp khách hàng mong muốn. Còn đối với nhóm cơ quan quản lý nhà nước, báo sẽ tạo ra cách chuyển tải để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận chính sách hơn.

Để báo chí vượt qua các thách thức, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất: Cần miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tiếp tục tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho chính cơ quan báo chí; các cơ quan quản lý cần hỗ trợ cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò cầu nối của Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội… Các cơ quan báo chí cần tập trung giải pháp đa dạng kênh tiếp cận độc giả; xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền.