Copernicus: Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong lịch sử

NDO - Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7/2023 cao hơn khoảng 1,5oC so với trung bình giai đoạn 1850-1900, đồng thời cao hơn 0,33oC so với tháng 7/2019 - tháng 7 nóng nhất và cũng là tháng nóng nhất trong lịch sử trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
Biển cảnh báo nhiệt độ cực đoan có thể gây nguy hiểm ở khu vực Thung lũng Tử thần (Death Valley), bang California, Mỹ, ngày 15/7/2023. (Ảnh: Reuters)
Biển cảnh báo nhiệt độ cực đoan có thể gây nguy hiểm ở khu vực Thung lũng Tử thần (Death Valley), bang California, Mỹ, ngày 15/7/2023. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu vừa chính thức xác nhận, tháng 7/2023 là tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận cả trên đất liền và trên biển.

Theo đó, nhiệt độ trung bình của không khí trên bề mặt Trái đất trong tháng 7 vừa qua cao hơn 0,72 độ C so với trung bình các tháng 7 giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,33 độ C so với tháng 7/2019 - tháng 7 nóng nhất và cũng là tháng nóng nhất trong lịch sử trước đó.

Tháng trước, nắng nóng khắc nghiệt đã thiêu đốt nhiều khu vực ở Bắc bán cầu, bao gồm cả miền nam châu Âu, trong khi nhiệt độ cao hơn mức trung bình cũng được ghi nhận ở một số quốc gia Nam Mỹ và lục địa Nam Cực.

Sau một thời gian dài chứng kiến mức nhiệt cao bất thường kể từ tháng 4/2023, nhiệt độ bề mặt đại dương trung bình trên toàn cầu tiếp tục tăng cao và chạm mốc kỷ lục mới trong tháng 7 vừa qua, cao hơn 0,51 độ C so với trung bình giai đoạn 1991-2020.

Copernicus: Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 1

(Nguồn: WMO)

Đáng chú ý, nhiệt độ mặt nước biển Bắc Đại Tây Dương vượt mức trung bình khoảng 1,05 độ C. Vùng biển phía tây bắc Đại Tây Dương cũng ghi nhận các mức nhiệt cao bất thường. Trong khi đó, sóng nhiệt biển càn quét khu vực phía nam Greenland và các vùng biển Labrador, lưu vực Caribe và trên biển Địa Trung Hải.

“Chúng ta vừa chứng kiến nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu lập kỷ lục mới trong tháng 7. Các kỷ lục này gây hậu quả nghiêm trọng đối với cả con người và hành tinh vốn đang phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn bao giờ hết”, bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Copernicus cho biết.

Chuyên gia của Copernicus nhấn mạnh, thực trạng đáng lo ngại trên cho thấy sự cấp bách phải có những nỗ lực tham vọng để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu, vốn là tác nhân chính đằng sau những kỷ lục mới về nhiệt độ.

Thời gian qua, nắng nóng như thiêu đốt kèm các mức nhiệt cao kỷ lục đã càn quét nhiều khu vực trên khắp thế giới, từ Thung lũng Tử thần (Death Valley) ở bang California, Mỹ cho đến thị trấn Sanbao, vùng Tân Cương ở phía tây bắc xa xôi của Trung Quốc. Trong khi đó, Canada và một số quốc gia Nam Âu phải chật vật đối phó với các vụ cháy rừng dữ dội kéo dài.