Nắng nóng cực đoan làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở Australia

NDO - Nhiều khu vực rộng lớn ở Australia tiếp tục hứng chịu nắng nóng cực đoan trong ngày 21/1, trong bối cảnh đợt nắng nóng hiện tại vẫn lan rộng, làm tăng nguy cơ cháy rừng trong mùa cháy rừng có nguy cơ cao đang diễn ra ở Australia do hiện tượng thời tiết El Nino.
0:00 / 0:00
0:00
Xe cứu hỏa của Sở cứu hỏa New South Wales tại một khu vực có nguy cơ cháy rừng cao ở Sydney, Australia, ngày 10/9/2023. (Ảnh: Reuters)
Xe cứu hỏa của Sở cứu hỏa New South Wales tại một khu vực có nguy cơ cháy rừng cao ở Sydney, Australia, ngày 10/9/2023. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan khí tượng quốc gia Australia cho biết, cảnh báo sóng nhiệt “cực đoan” - mức độ nguy hiểm cao nhất đã được áp dụng trong ngày thứ 2 đối với các khu vực ở bang Tây Australia và mở rộng tới bang Nam Australia, trong khi các khu vực ở Queensland, New South Wales và Vùng lãnh thổ Bắc Australia đang trong cảnh báo nắng nóng “nghiêm trọng”.

Cơ quan này cảnh báo rằng, ở Tây Australia - bang lớn nhất nước này, các khu vực Pilbara và Gascoyne xa xôi có thể đạt mức nhiệt độ cao nhất là 40 độ C trong ngày chủ nhật.

Tại thị trấn khai thác mỏ Paraburdoo thuộc Pilbara, dự báo nhiệt độ cao nhất là 48 độ C, cao hơn 7 độ so với mức tối đa trung bình trong tháng 1 hằng năm. Nhiệt độ đo được tại đây lúc 12 giờ 30 phút trưa (giờ địa phương) đã lên đến 45,7 độ C.

Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Australia đạt 50,7 độ C, được ghi nhận tại sân bay Onslow tại Pilbara vào ngày 13/1/2022.

Ở bờ biển phía đông, nhiệt độ nhiều khu vực của thành phố Sydney ở bang New South Wales được dự báo có thể đạt 40 độ C, cao hơn gần 10 độ C so với mức trung bình tối đa trong tháng 1. Ở phía tây thành phố, nhiệt độ là 37,9 độ C lúc 15 giờ 30 phút (giờ địa phương).

Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Australia, điều kiện khô nóng làm tăng nguy cơ cháy rừng ở một số khu vực của nước này trong bối cảnh Australia đang chịu tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, thường liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lốc xoáy và hạn hán.

Hai mùa cháy rừng vừa qua ở Australia được đánh giá đã dịu đi về mức độ nghiêm trọng so với thảm họa “Mùa hè đen” hồi năm 2019-2020, khi cháy rừng đã tàn phá một khu vực rộng lớn ở nước này, khiến 33 người thiệt mạng cùng 3 tỷ động vật và hàng nghìn tỷ động vật không xương sống bị chết trong cháy rừng.