Khách du lịch đi bộ gần Đấu trường La Mã tại Rome trong đợt nắng nóng lan rộng khắp Italia, ngày 17/7/2023. (Ảnh: REUTERS)
Khách du lịch đi bộ gần Đấu trường La Mã tại Rome trong đợt nắng nóng lan rộng khắp Italia, ngày 17/7/2023. (Ảnh: REUTERS)

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử

NDO - Với việc 3 tuần đầu tiên của tháng 7/2023 đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay, tháng 7 năm nay đang trên đà trở thành tháng 7 nóng nhất và cũng là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc dẫn số liệu từ Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S) cho biết, đợt sóng nhiệt hoành hành ở phần lớn Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu, cùng với cháy rừng diễn ra tại nhiều quốc gia đã góp phần vào đợt tăng nhiệt này, gây tác động lớn đến sức khỏe của người dân, môi trường và nền kinh tế.

Nhiệt độ liên tục phá vỡ các kỷ lục

Theo dữ liệu vừa được công bố, tháng 7/2023 đã chứng kiến hàng loạt kỷ lục mới về nhiệt độ, trong đó ghi nhận khoảng thời gian 3 tuần nóng nhất, 3 ngày nóng nhất và nhiệt độ đại dương cao nhất chưa từng có ở thời điểm này trong năm.

Theo đó, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7/2023 là 16,95 độ C. Con số này cao hơn nhiều so với mức 16,63 độ C được ghi nhận trong cả tháng 7/2019, hiện đang giữ kỷ lục là tháng 7 ấm nhất và cũng là tháng nóng nhất trong lịch sử.

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 1

Nhiệt độ bề mặt hằng ngày toàn cầu (độ C) tính từ ngày 1/1/1940 đến ngày 23/7/2023, được biểu thị dưới dạng chuỗi thời gian. Trong đó, năm 2023 và 2016 lần lượt được hiển thị với các đường kẻ đậm màu đỏ tươi và đỏ sẫm. Các năm khác được hiển thị bằng các đường mảnh theo thập kỷ, từ những năm 1940 đến những năm 2020. Đường chấm chấm và đường bao màu xám biểu thị ngưỡng nhiệt độ cao hơn 1,5 độ C so mức thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). (Nguồn: C3S/ECMWF)

Ở thời điểm này, gần như chắc chắn nhiệt độ trung bình của tháng 7/2023 sẽ vượt quá nhiệt độ kỷ lục ghi nhận vào tháng 7/2019 với biên độ đáng kể, khiến tháng 7/2023 trở thành tháng 7 ấm nhất và cũng là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: "Chúng ta không cần phải đợi đến cuối tháng để biết điều này. Nhiệt độ trong tháng 7/2023 sẽ phá vỡ các kỷ lục".

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 2

Khói bốc lên từ đám cháy rừng dữ dội ở Tijarafe trên đảo Canary, La Palma, Tây Ban Nha, ngày 16/7/2023. Đợt sóng nhiệt đang hoành hành cùng cháy rừng diễn ra ở nhiều khu vực đã góp phần vào đợt tăng nhiệt trong tháng 7 này. (Ảnh: EIRIF/REUTERS)

“Đối với phần lớn Bắc Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Âu - đó là một mùa hè khắc nghiệt. Đối với toàn bộ hành tinh, đó là một thảm họa. Và đối với các nhà khoa học, đó là điều hiển nhiên - con người phải chịu trách nhiệm”, ông Guterres phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đồng thời nhấn mạnh những số liệu trên hoàn toàn phù hợp với các dự báo và cảnh báo đã được đưa ra trước đây, song điều đáng chú ý nhất đó là tốc độ của sự thay đổi.

Vào ngày 6/7 vừa qua, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hằng ngày đã xô đổ kỷ lục ghi nhận vào tháng 8/2016, khiến ngày hôm đó trở thành ngày nóng nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục ngay trước đó vào ngày 5 và 7/7/2023.

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 3

Xếp hạng 30 ngày nóng nhất lịch sử theo dữ liệu của C3S dựa trên nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu. Trong đó, có tới 21 ngày thuộc tháng 7/2023 (được in đậm). (Nguồn: C3S/ECMWF)

Ba tuần đầu tiên của tháng 7/2023 cũng là 3 tuần nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong tuần đầu tiên và tuần thứ ba của tháng.

Kể từ tháng 5 vừa qua, nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu đã cao hơn nhiều so với các giá trị được quan sát trước đó, góp phần tạo nên tháng 7 đặc biệt ấm áp, dẫn đến khả năng tháng 7 năm nay sẽ là tháng 7 nóng nhất và cũng là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, nối tiếp tháng 6 nóng nhất lịch sử.

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 4

Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7 từ năm 1940 đến năm 2023. (Nguồn: C3S/ECMWF)

Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu

Theo báo cáo của WMO, lục địa châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với xu hướng nóng lên trong giai đoạn 1991-2022 gần như gấp đôi giai đoạn 1961-1990. Ngoài ra, phần lớn các khu vực khô cằn ở châu Á cũng đã trải qua những cơn bão bụi nghiêm trọng trong năm 2022.

Tổng Thư ký WMO cho biết, vào năm ngoái, nhiều khu vực ở châu Á đã trải qua điều kiện khô hạn và hạn hán hơn bình thường.

Nhiệt độ trung bình ở châu Á trong năm 2022 đạt mức ấm thứ hai hoặc thứ ba từng được ghi nhận trong lịch sử và cao hơn khoảng 0,72 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 do biến đổi khí hậu.

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 5

Người đi bộ trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc giữa đợt cảnh báo màu cam về nắng nóng, ngày 16/6/2023. (Ảnh: REUTERS)

Khu vực này cũng chứng kiến xu hướng nóng lên trên toàn bộ trên bề mặt đại dương kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1982.

Ở phía tây bắc Biển Arab, Biển Philippines và các vùng biển phía đông Nhật Bản, tốc độ ấm lên vượt quá 0,5 độ C mỗi thập kỷ, tức gấp khoảng 3 lần tốc độ nóng lên trung bình của bề mặt đại dương trên toàn cầu.

Trong khi đó, các khu vực khác trên toàn cầu cũng đang trải qua một mùa hè nóng như đổ lửa. Ở Pháp, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Algeria và Tunisia đã ghi nhận các kỷ lục mới về nhiệt độ đo được cả ban ngày và ban đêm.

Thí dụ, Figueres (Catalonia, Tây Ban Nha) ghi nhận kỷ lục nhiệt độ mới là 45,4 độ C vào ngày 18/7 vừa qua, mức cao nhất mọi thời đại. Một trạm đo trên đảo Sardinia của Italia cũng ghi nhận nhiệt độ 48,2 độ C vào ngày 24/7.

Tại Algeria và Tunisia, nhiệt độ cao nhất lần lượt được ghi nhận là 48,7 độ C (Dar El Beïda/Argel) và 49,0 độ C (Tunis và Kairouan) vào ngày 23/7. Ở một số vùng của Địa Trung Hải, nền nhiệt cao được dự báo có thể tiếp tục kéo dài sang tháng 8.

Ở Bắc Mỹ, theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, các khu vực rộng lớn của nước này cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng trên diện rộng, với nhiệt độ cao ghi nhận ở nhiều nơi và một số địa điểm thậm chí đã đạt kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại.

Vào cuối tuần ngày 15-16/7 vừa qua, phần lớn miền tây nước Mỹ đã được đặt dưới cảnh báo nhiệt độ quá cao đến mức “nguy hiểm”, gây ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người.

Phoenix, Arizona đã có 9 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ ban đêm thậm chí vượt mức 34,4 độ C, còn tại Vườn quốc gia Thung lũng Chết ở California, nhiệt độ đã lên tới 53,3 độ C vào ngày 16/7 vừa qua.

Tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất trong lịch sử ảnh 6

Công nhân xây dựng uống nước lạnh giải nhiệt trong đợt nắng nóng hơn 43 độ C kéo dài trong 27 ngày liên tiếp ở Scottsdale, khu vực tàu điện ngầm Phoenix, Arizona, Mỹ, ngày 28/7/2023. (Ảnh: REUTERS)

Ở trung nam và đông nam nước Mỹ, giá trị chỉ số nhiệt tối đa có thời điểm đã vượt quá 43 độ C. Nhiều khu vực của Florida, bao gồm cả thành phố Miami, đã bị ảnh hưởng bởi một đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài.

Ông Carlo Buontempo, Giám đốc C3S thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu (ECMWF), nhận xét: “Nhiệt độ liên tục phá vỡ các kỷ lục là một phần của xu hướng tăng mạnh nhiệt độ toàn cầu. Khí thải do con người tạo ra chính là nguyên nhân dẫn đến những đợt gia tăng nhiệt độ này”.

Ông Buontempo cũng cảnh báo, kỷ lục của tháng 7 có thể sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong năm nay, bởi theo các dự báo theo mùa của C3S, nhiệt độ trên các khu vực đất liền toàn cầu có thể sẽ cao hơn mức trung bình vào các thời điểm trong năm so với trước đây.

Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas, nhấn mạnh: “Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hàng triệu người trong tháng 7 là thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và là điềm báo trước cho tương lai. Do đó, hành động vì khí hậu là điều phải làm”.

WMO dự báo rằng, có tới 98% khả năng trong 5 năm tới sẽ có 1 năm ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt ngưỡng nóng nhất trong lịch sử, và cũng trong khoảng thời gian này, có 66% khả năng nhiệt độ sẽ tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900.

back to top