Sự kiện đối thoại chính sách năm nay cũng phù hợp với chủ đề toàn cầu của Ngày Quốc tế Phụ nữ “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong đổi mới, công nghệ và giáo dục kỹ thuật số; đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với những nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Sự kiện cũng nêu bật tầm quan trọng chuyển đổi số, với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.
Tại Việt Nam, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/6/2020 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), đổi mới và công nghệ đã trở thành một ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành trong những năm gần đây. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bên cạnh đó, đổi mới và công nghệ vẫn thường được coi là lĩnh vực mà nam giới có ưu thế. Những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở.
Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Sự đa dạng về giới tính cũng là yếu tố được các hãng công nghệ tại Việt Nam quan tâm, nhằm giúp họ tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn và phù hợp với đại đa số người dùng.
Có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng: Việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.
Do đó, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xoá bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khoá để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ tạo lực đẩy thôi thúc sự tự tin của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để bảo đảm rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.
Bà Pauline Tamaris, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh “Chủ đề ưu tiên của Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay mang đến cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng xem xét lại các tác động về giới trong đổi mới và công nghệ; đồng thời xác định các khuyến nghị để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam bao trùm và bình đẳng hơn.
Trong bối cảnh đó, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất thảo luận như sau: cần bảo đảm quan điểm giới trong các chính sách quốc gia về kỹ thuật và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ; tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái; dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai; tăng cường thu thập dữ liệu và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến.”
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau, cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số. Vấn đề bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em trước các hình thức bạo lực trên môi trường mạng cũng được các đại biểu thảo luận trong sự kiện.
Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại đối thoại chính sách sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ.